Tại toạ đàm do Cổng thông tin Chính phủ liên quan đến quyết định điều chỉnh giá điện lên hơn 8% kể từ ngày 20/3 diễn ra vào ngày 21/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, các yếu tố đầu vào sản xuất điện thời gian vừa qua đã đều được điều chỉnh tăng là một trong những lý do phải tăng giá bán lẻ điện kể từ ngày 20/3.
Cụ thể, theo ông Tuấn, giá than bán cho điện sản xuất tăng từ 2,61% đến hơn 7% tuỳ từng loại than, tăng chi phí phát điện lên hơn 3.000 tỷ đồng. Giá than năm nay được điều chỉnh đồng thời với giá điện hôm 20/3 than của TKV tăng hơn 3% và Tổng công ty Đông Bắc hơn 5% tăng hơn 2.000 tỷ đồng. Một số nhà máy điện của EVN và nhà máy điện ngoài sử dụng than trộn trong nước và nhập ngoại, là than mua của TKV tăng khoảng hơn 1.900 tỷ đồng.
Đối với khí, trước 20/3 có 2 loại khí, cùng ngày điều chỉnh giá điện, toàn bộ khí bán cho nhà máy điện bao gồm trong và trên bao tiêu đều thực hiện theo giá thị trường.
Những năm trước còn nhiều yếu tố nên treo lại khoản chênh lệch tỷ giá nhưng giờ sẽ phân bổ dần, 2018 không điều chỉnh giá điện nên năm nay sẽ phải tính toán.
“Việc tăng giá điện một mặt thực hiện đầy đủ theo Quy định 24 của Chính phủ nhưng khi xem xét phải xem xét cân đối vĩ mô, phân bổ dần khoản nợ phải treo, tính toán ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách”, ông Tuấn nói.
Tại toạ đàm, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết bản thân ông chũng không muốn tăng giá điện. “Chúng tôi cũng không muốn tăng giá điện, về nhà chúng tôi cũng phải trả tiền điện, EVN cũng mua điện của các đơn vị khác nếu họ không sản xuất cũng thiếu điện. Cố gắng trong năm điều hành hệ thống điện tối ưu giảm sức ép tăng giá điện”, ông Tri nói.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, ban đầu ông khá băn khoăn về giá điện nhưng sau khi tìm hiểu, ngành điện đã đến lúc phải tăng giá, và có lẽ tâm lý của người dân và doanh nghiệp không ai mong muốn tăng, không riêng giá điện, giá xăng dầu cũng là mặt hàng không ai muốn tăng.
Ông Lực cho biết, giá điện tiến dần đến cơ chế thị trường, trước đây nhà nước bảo trợ nhưng giờ than, khí đầu vào cho sản xuất điện đã theo giá thị trường và các khoản tồn đọng đến giờ phải phân bổ dần dần.
Cũng theo ông Lực, đây là thời điểm tương đối thuận vì giá cả các mặt hàng trên thế giới như dầu, than về cơ bản được dự báo gần như không tăng tạo mặt bằng không quá lớn tác động đến lạm phát của Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất tham gia tại toạ đàm, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, doanh nghiệp không bất ngờ với việc tăng giá điện khi năm 2018 những thông tin đầu vào sản xuất điện tăng, khả năng cung cấp điện căng thẳng nên các doanh nghiệp đã tính đến dự phòng việc giá điện sẽ tăng trong kế hoạch sản xuất.
Theo NGUYỄN THẢO
Bizlive
Ý kiến bạn đọc...