Tạo “sông trong ao”, cá nhanh lớn thịt chắc, dân Ứng Hoà lãi đậm

21:06 | 24/08/2019

DNTH: Lâu nay, vùng chiêm trũng vẫn được coi là khó phát triển kinh tế, trồng cây gì cũng không hiệu quả, nhưng nông dân Ứng Hoà (Hà Nội) đã biến bất lợi này thành một lợi thế để nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ “sông trong ao” để nuôi cá trắm, chép thành công, bước đầu mang lại thu nhập cao.

Quản lí dịch bệnh tốt hơn, cá nhanh lớn

Với diện tích 1ha mặt nước, năm 2018 ông Đinh Quang Lĩnh ở thôn An Thái, xã Trầm Lộng đầu tư xây dựng 2 bể nuôi với thiết kế sâu 2m, rộng 5m, dài 25m. Một bể ông thả nuôi 2.000 cá trắm, 1 bể thả 3.000 cá chép và ứng dụng công nghệ mới, tạo “sông trong ao”.

Ông Lĩnh cho biết: Đầu tư thực hiện mô hình tạo sông trong ao, phải đảm bảo đủ các loại máy móc như: Thiết bị sục, thiết bị hút chất thải đáy ao và hệ thống điện lưới hay máy phát dự phòng… Mô hình tạo “sông trong ao” phải có diện tích tối thiểu 1ha, mỗi 1ha sẽ tạo được 2 sông, với chi phí xây một “sông trong ao” khoảng 160 - 180 triệu đồng, cao hơn 2-3 lần so với ao nuôi truyền thống nhưng thời gian sử dụng ao nuôi có thể lên tới hơn 20 năm.

tao “song trong ao”, ca nhanh lon thit chac, dan ung hoa lai dam hinh anh 1

Mô hình tạo sông trong ao để nuôi cá đang là hướng đi mới của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Ứng Hòa.

Việc áp dụng mô hình nuôi cá “sông trong ao” không chỉ giúp thuận lợi hơn trong việc theo dõi và quản lý dịch bệnh của cá mà còn giúp người nuôi thu hồi, xử lý được chất thải sau nhiều vụ nuôi. Ao nuôi thiết kế các máy bơm chuyên dụng tạo ra các “dòng sông nhỏ” chảy liên tục trong ao, giúp gom chất thải lắng xuống bể cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch; nguồn thức ăn dư thừa không còn nên cá tăng trọng nhanh, thường xuyên cá vận động bơi ngược dòng giúp thịt cá săn chắc. Đặc biệt, với mô hình này, sau khi thu hoạch cá thì có thể nuôi tiếp lứa mới mà không cần xử lý đáy ao.

Với 2 bể nuôi, thời gian nuôi từ 4 – 5 tháng/lứa, đến nay gia đình ông Lĩnh đã thu hoạch 2 lứa cá với sản lượng trên 17 tấn. Cá trắm hiện bán với giá 57.000 đồng/kg, cá chép là 55.000 đồng/kg cá chép, gia đình ông Lĩnh có thu nhập cao hơn hẳn so với kiểu nuôi truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Chiên, cũng ở xã Trầm Lộng cho biết, gia đình bà là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá bằng mô hình này. So với nuôi cá truyền thống, công nghệ tạo sông trong ao giúp tăng năng suất, giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng cá thương phẩm, nhất là cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên mà không cần chờ xử lý ao nuôi.

Với diện tích ao chỉ rộng 3.600 m2, mỗi năm gia đình bà Chiên thu hoạch 10 tấn cá, thu về từ 400 - 500 triệu đồng. Ở xã Trầm Lộng có rất nhiều gia đình ăn nên làm ra nhờ nghề nuôi cá nước ngọt như gia đình bà Chiên.

Nhân rộng mô hình

Được biết, năm 2018 huyện Ứng Hoà đã có quyết định số 1550/QĐ-UBND quy định cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp giai đoạn 2018 – 2020, trong đó hỗ trợ phát triển thủy sản công nghệ “sông trong ao” với mức hỗ trợ 70 triệu đồng/1 “sông trong ao” hoặc không quá 100 triệu đồng/1ha ao nuôi; mỗi hộ được hỗ trợ 1 lần/diện tích đã thực hiện xây dựng “sông trong ao”.

tao “song trong ao”, ca nhanh lon thit chac, dan ung hoa lai dam hinh anh 2

Các đại biểu thăm mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ mới "làm sông trong ao" ở huyện Ứng Hòa. Ảnh: I.T

Điều kiện hỗ trợ là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có diện tích ao nuôi đạt từ 10.000m2 trở lên, hoặc đảm bảo thể tích tối thiểu 10.000m3 nước cho một sông; có máy phát điện, máy nổ để đảm bảo nguồn năng lượng cung cấp liên tục cho hệ thống “sông trong ao”, giúp cá không bị chết ngạt do thiếu oxy.

Do đem lại hiệu quả rõ rệt nên đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ra các vùng nuôi thủy sản tập trung khác thuộc 6 xã trên địa bàn huyện gồm: Ðồng Tân, Hòa Lâm, Liên Bạt, Phương Tú, Trung Tú và Tảo Dương Văn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện Ứng Hòa đến nay đã đạt hơn 3.200 ha.

Ông Phạm Văn Hoạch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hoà cho biết: “Bây giờ, ở đồng trũng Ứng Hòa đã có nhiều nông dân nuôi cá quy mô lớn nhưng không phải vất vả như xưa, bởi dù ở đâu vẫn có thể kiểm tra, giám sát được ao nuôi nhờ máy móc, công nghệ, camera giám sát… Khi có dấu hiệu bất thường, tất cả các thông số cần thiết đều được báo qua điện thoại”. 

Từ hiệu quả của mô hình “sông trong ao” tại Ứng Hoà, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã cùng các địa phương rà soát, đánh giá diện tích ao nuôi thủy sản để tìm cách nhân ra diện rộng. Tuy nhiên, vấn đề trăn trở của nông dân hiện nay vẫn là vốn đầu tư ở mức cao;không ít người cũng còn nghi ngại về hiệu quả của cách làm mới…

Ông Đinh Quang Lĩnh chia sẻ thêm: “Nuôi cá theo phương pháp hiện đại, ứng dụng quy trình VietGAP với quy mô lớn, sản lượng mỗi ha hàng chục tấn cá, nhưng để nhiều người tiêu dùng biết và ủng hộ là điều không dễ dàng. Nếu như cá của mô hình tạo sông trong ao thơm ngon, an toàn mà vẫn phải bán với giá như cá nuôi truyền thống, không có sự liên kết trong sản xuất, phụ thuộc cả vào thương lái… thì mô hình này sẽ khó nhân rộng, tạo sự bứt phá cho các vùng chiêm trũng”.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, “sông trong ao” là quy trình công nghệ của Mỹ mới được du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây. Trên địa bàn thành phố đã có nhiều hộ dân áp dụng thành công mô hình này vào sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước; chi phí thức ăn giảm, cá tăng trọng nhanh, đạt chất lượng tốt, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân…

 

Theo Dân Việt

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

“Chòm dân cư văn minh” thôn Văn Miếu - điển hình sáng tạo trong thi đua dân vận khéo

DNTH: Từ những kết quả đạt được sau hơn một năm xây dựng mô hình “khu dân cư văn minh - tuyến đường kiểu mẫu kiểu mẫu” gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng, nâng cao tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đã phát...

Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch: Du khách có thêm nhiều trải nghiệm về văn hóa địa phương

DNTH: Việc phát triển, kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch tại Quảng Ninh sẽ tạo thêm kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường và giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng vươn xa hơn.

Bắc Giang: Phát động Cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024-2026

DNTH: Nhằm xây dựng một miền quê đáng sống tạo động lực về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã phát động cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024 - 2026 và nhận...

Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh

DNTH: Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển...

Khi nông dân biến sợi rơm thành sợi vàng

DNTH: Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường, nông dân An Giang đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống

DNTH: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch...

XEM THÊM TIN