Thái Bình: Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

14:03 | 07/07/2023

DNTH: Thái Bình là tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp cả về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh, cây cảnh, cây dược liệu; quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị. Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn liền với thị trường đã mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế.

Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 6/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình tiếp tục đưa nhiều giống cây trồng, con giống mới vào sản xuất, chăn nuôi.

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao và dự kiến đưa vào sản xuất như dưa lê (Kim Bạch và Cẩm Châu), măng tây xanh, bí đá trái dài, mướp đắng xanh, đậu xanh TX05… Song song với việc đưa các giống cây trồng mới vào nghiên cứu sản xuất, tỉnh Thái Bình cũng triển khai việc nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen cây trồng bản địa quý như lúa Nếp Bể (Vũ Thư), Hồng Xiêm nhót (Lô Giang), rau Thông muối (Thụy Hải) và Mít dai vàng (Đông Hưng). Đồng thời, nhờ ứng dụng khoa học và kỹ thuật trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp chất thải trong chăn nuôi để phòng trừ bệnh hại vùng rễ, góp phần nâng cao chất lượng một số cây trồng thuộc họ cà (cà chua, ớt, khoai tây) mang lại hiệu quả kinh tế cao và được người dân tích cực đón nhận.

Cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ lệ vật nuôi cao sản hướng thịt, trứng
Cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ lệ vật nuôi cao sản hướng thịt, trứng

Trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã tập trung đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng vật nuôi. Việc ứng dụng nguồn gen mới để tạo đàn bê lai cao sản (bò cái nền lai Zebu của địa phương với bò đực Wagyu và Red Angus) nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Thái Bình đã mang lại kết quả tích cực. Cụ thể, hơn 100 con bê lai được sinh sản và nuôi dưỡng, các quy trình lai tạo, nuôi dưỡng bê lai đều được xây dựng và tập huấn một cách có hệ thống.

Để người dân được hướng dẫn quy trình ấp nở nhân tạo trứng gà Tò thương phẩm theo hướng VietGap, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã chọn lọc 50 con gà trên vùng đất An Mỹ (Quỳnh Phụ), trong đó có 43 gà mái và 7 gà trống mang đặc trưng của giống gà Tò nguyên chủng có khả năng sinh sản tốt, để tạo ra đàn gà hạt nhân thế hệ 1 góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân.

Liên kết bao tiêu rau vụ đông của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Điệp Nông ( huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)
Liên kết bao tiêu rau vụ đông của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Điệp Nông ( huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)

Ông Lê Văn Chiến, hộ chăn nuôi lợn tại thôn Lại Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) cho biết: “Hơn 10 năm qua, gia đình tôi không nuôi lợn giống địa phương nữa mà chuyển sang nuôi lợn lai có trọng lượng từ 1,2 đến 1,4 tạ/con khi xuất chuồng. Không chỉ cho tỷ lệ nạc cao hơn, các giống lợn lai có sức đề kháng tốt hơn, tăng trọng nhanh hơn so với giống lợn truyền thống, được thị trường ưa chuộng. Với quy mô nuôi 30 con lợn nái, 500 con lợn thịt/năm, gia đình đã tự sản xuất lợn giống theo quy trình khép kín bảo đảm an toàn sinh học, tiết kiệm được chi phí đầu tư, bảo đảm chất lượng con giống đầu vào, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, lắp đặt hệ thống camera giám sát, đầu tư máng ăn, cung cấp nước uống tự động và xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Là một trong những hộ tiên phong ra vùng chuyển đổi của xã Phú Lương (Đông Hưng) phát triển mô hình VAC, anh Mai Đắc Công đã trở trở thành một nông dân điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Thành công của anh đến từ sự quyết đoán, biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ dám làm, không sợ khó sợ khổ.

Mô hình doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi với  HTX trồng cây dược liệu  trên địa bàn xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình)
Mô hình doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi với HTX trồng cây dược liệu trên địa bàn xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình)

Anh Công chia sẻ: “Diện tích ao rộng 720m2 tôi thả 3 tạ cá trắm con, sau 1 năm xuất bán được 1 tấn cá thịt. Để giảm chi phí đầu vào, tranh thủ lúc rảnh vợ chồng tôi ra đồng cắt cỏ, vớt bèo, xin cây chuối về làm thức ăn cho cá. Trong chuồng luôn có trên 300 con gà, vịt. Tôi cũng mới đầu tư nuôi 20 con dê và thỏ. Đây là những con vật nuôi đặc sản, hứa hẹn cho thu nhập cao. Còn trên vườn, tôi trồng các loại rau theo mùa, vừa cung cấp rau quả sạch cho gia đình vừa bán cho bà con dùng. Ngoài ra tôi còn tranh thủ cấy 2 sào ruộng để tự cung tự cấp gạo cho gia đình. Mỗi năm gia đình thu lãi từ mô hình khoảng gần 50 triệu đồng”.

Sỡ hữu đường bờ biển dài 54 km, Thái Bình có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Những năm qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm gia tăng sản lượng thủy sản (bao gồm cả khai thác và nuôi trồng). Nhận thấy, việc nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng giá trị cao cho địa phương, Chi cục Thuỷ sản đã chủ động phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hình thức, đối tượng nuôi. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đó, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh đang tích cực chăm sóc, cung ứng ra thị trường những con giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Chi cục Thuỷ sản đã làm chủ quy trình và công nghệ sản xuất giống thủy sản, đặc biệt với các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao với giá trị sản xuất giống ước đạt 92,25 tỷ đồng. 

Phát triển kinh tế vườn đã trở thành cây trồng chủ lực của người nông dân xã Bách Thuận  huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Phát triển kinh tế vườn đã trở thành cây trồng chủ lực của người nông dân xã Bách Thuận huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Bên cạnh đó, để phát động phong trào thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2023. Trong quý 1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức thả 320.000 con giống các loại như: cá chép đen, cá chép, cua, cá vược và tôm sú vào các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Phát triển theo liên kết chuỗi

Theo thống kê, tỉnh Thái Bình hiện có 331 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; trong đó 318 HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 4 HTX nuôi trồng thủy sản, 6 HTX trong lĩnh vực chăn nuôi, 3 HTX trong lĩnh vực trồng trọt. Ngoài ra, có 1 Liên hiệp HTX, 130 tổ hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản và 20 doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi với các HTX trên địa bàn.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, hội viên nông dân xã Tự Tân (Vũ Thư) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Hữu Tầng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tự Tân cho biết: “Hiện nay, nông dân trong xã duy trì diện tích cấy lúa 489ha, trồng 61ha cây màu, chăn nuôi 42.000 con gia súc, gia cầm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Hội Nông dân xã Tự Tân đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cử nông dân tham gia các buổi tham quan mô hình kinh tế hiệu quả tại các xã khác trong tỉnh, hỗ trợ nông dân đầu tư triển khai các mô hình mới”.

Từ năm 2018 đến 2022, Hội Nông dân xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 2 lớp dạy nghề chăn nuôi gia cầm, 55 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.790 lượt cán bộ, hội viên tham gia; hỗ trợ bà con hoàn thiện hồ sơ tín chấp với các tổ chức tín dụng cho hơn 409 lượt hộ vay vốn, với tổng dư nợ trên 30 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất. Có vốn, có kiến thức, nhiều hội viên nông dân đã tận dụng các lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh đang tích cực chăm sóc, cung ứng ra thị trường những con giống đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng
Các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh đang tích cực chăm sóc, cung ứng ra thị trường những con giống đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng

Anh Phạm Văn Thiêm, thôn Phù Sa là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi của xã Tự Tân chia sẻ: “Nhờ có sự vận động, hỗ trợ của Hội Nông dân xã, tôi đã chuyển đổi 1,2 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng các loại cây công trình. Trong vườn của gia đình có các loại cây giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến vài tỷ đồng. Tôi tìm các loại cây phù hợp với nhu cầu của khách hàng về trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời, tích cực tiếp thị quảng bá giới thiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ. Mô hình sản xuất của gia đình hàng năm ổn định cho thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng”.

Từ năm 2010, xã Phú Lương (Đông Hưng) đã quy hoạch vùng cấy lúa kém hiệu quả tại cánh đồng thôn Duyên Phú rộng 10ha, động viên bà con có ruộng trong khu vực đó chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng màu, trồng hoa, cây cảnh, phát triển chăn nuôi. Các mô hình trong khu chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần cấy lúa. Bên cạnh đó, xã cũng tạo thuận lợi cho hơn 20 hộ dân ở thôn Duyên Trang Đông chuyển đổi những diện tích cấy lúa năng suất thấp gần sông, sang trồng cây đào cảnh. Hiện nay các hộ đang mở rộng diện tích trồng đào để xây dựng sản phẩm đặc thù cho địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Thành - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lương cho biết: “Để hỗ trợ phát triển và nhân rộng các điển hình làm kinh tế giỏi, hàng năm HTX phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho các thành viên, hội viên. Qua đó, bà con áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra HTX còn hỗ trợ các hộ nông dân mua giống, phân bón trả chậm; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tạo điều kiện cho bà con thực hiện chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển cây con có giá trị kinh tế cao”.

Để cải tạo chất lượng con giống lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hàng năm, Chi cục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi sử dụng con giống lai để sản xuất, cải thiện năng suất, nâng cao thu nhập; chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sang quy mô chăn nuôi theo trang trại, gia trại, sản xuất quy trình khép kín... chăn nuôi theo hình thức trang trại, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng.

Phương thức chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật cao (quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, quy trình VietGAHP...) được tuyên truyền, chuyển giao, ứng dụng rộng rãi, đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, một số chủ doanh nghiệp, trang trại, nông hộ đã ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác quản lý, chăm sóc, kiểm soát chăn nuôi, phát triển thị trường tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm.

Theo thống kê, sản lượng nuôi trồng thủy sản quý 1 năm 2023 ước đạt 40 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá đạt 9,4 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 0,3 tấn, tăng 2,1%. Để phát triển kinh tế biển, tỉnh Thái Bình tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, kết hợp với tổ chức triển khai nhiều chương trình, đề án, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điển hình là Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030.

Tại hai huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải, nhiều hộ dân nỗ lực bám biển sản xuất bằng cách đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến để duy trì nuôi tôm quanh năm, đem lại thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, người dân mạnh dạn khai thác lợi thế bãi triều rộng thoải, lượng thức ăn tự nhiên phong phú để mở rộng quy mô nuôi thả ngao thương phẩm, ngao giống với tổng diện tích chiếm 36,54% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Thái Bình.

Nhờ đó, những năm gần đây tỉnh Thái Bình luôn duy trì và giữ vững sản lượng nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao nước mặn đạt sản lượng 110 nghìn tấn/năm; nuôi ngao nước lợ đạt sản lượng hơn 12 nghìn tấn/năm). Bình quân giá trị nuôi ngao đạt từ 300 triệu đồng/ha đến 400 triệu đồng/ha và trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Theo kế hoạch chung của UBND tỉnh Thái Bình, vùng quy hoạch nuôi ngao bãi triều giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 là 1.400ha, gồm 62ha ươm ngao giống và 1.338ha nuôi ngao thương phẩm (tập trung tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân và Thái Đô, huyện Thái Thụy).

Sau mỗi giai đoạn phát triển, kinh tế nông nghiệp của tỉnh Thái Bình lại đặt ra những mục tiêu lớn hơn về giá trị sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của thị trường. Việc thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp theo chuỗi khép kín, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị là giải pháp để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm chất lượng nguồn giống cho người sản xuất.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh

DNTH: Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển...

Khi nông dân biến sợi rơm thành sợi vàng

DNTH: Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường, nông dân An Giang đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống

DNTH: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch...

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó ở tiêu chí nước sạch

DNTH: Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi phấn đấu đưa 33 xã về đích nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay chỉ có 8 xã đạt chuẩn, 9 xã đăng ký về đích vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy nhiều địa phương đều gặp khó vì...

Gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

DNTH: Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của các địa phương, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Nông...

Tích tụ ruộng đất: Hồi sinh những cánh đồng hoang

DNTH: Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tích tụ ruộng đất đã trở thành xu thế tất yếu, hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Thay vì nhiều canh đồng bị bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả, giờ đây những cánh đồng...

XEM THÊM TIN