Thu ngân sách 7 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2020

22:08 | 05/08/2021

DNTH: Theo Tổng cục Thuế, tổng thu NSNN lũy kế 7 tháng năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Ảnh minh họa.

 Nguyên nhân mức thu tăng khá

Tính riêng tổng thu NSNN tháng 7/2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 104.400 tỷ đồng, bằng 9,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng cục Thuế phân tích, thu NSNN trong 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... 

Trong đó, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 của khối ngân hàng thương mại đạt khá; nguồn thu từ tín dụng, hoạt động dịch vụ (dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…) và cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro... đã góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý IV và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng cao, lũy kế 7 tháng đầu năm tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ, tương đương 6.000 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương 9.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao kéo theo số thu thuế TNDN từ hoạt động này tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương tăng 3.500 tỷ đồng.

Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng 3.000 tỷ đồng.

Dưới góc độ vĩ mô, kinh tế những tháng cuối năm 2020 hồi phục khá, cộng với việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ 2019 (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong tháng 1/2021), dẫn đến số thu ngân sách từ tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương 11.200 tỷ đồng...

Nếu loại trừ các yếu tố chính sách gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến nêu trên thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng qua tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó số thu từ thuế, phí nội địa tăng 2,4%.

Một nguyên nhân khác là công tác thanh tra được ngành thuế đẩy mạnh và đạt hiệu quả cho số thu. Cụ thể, tính đến 15/7/2021, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 25.972,31 tỷ đồng bằng 84,61% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra đạt 5.466,47 tỷ đồng; giảm khấu trừ đạt 1.080,48 tỷ đồng; giảm lỗ 9.425,36 tỷ đồng. Qua đó, số tiền thuế nộp ngân sách là 3.261,25 tỷ đồng, bằng 59,66% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.

Lũy kế tính đến ngày 31/7/2021, toàn ngành thuế đã đôn đốc thu hồi được 18.802 tỷ đồng tiền nợ thuế, đạt 62,5% chỉ tiêu được giao.

Tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp quản lý thu ngân sách

Theo Tổng cục Thuế, tiến độ thực hiện dự toán thu NSNN lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 đạt khá do tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đà hồi phục từ cuối năm 2020, thị trường bất động sản, chứng khoán sôi động, hoạt động chuyển nhượng vốn, sáp nhập gia tăng làm phát sinh tăng thu cho NSNN.

Mặc dù vậy, Tổng cục Thuế cũng cho rằng diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần và giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại cuối tháng 4 đến nay, thu thuế phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 có thể giảm 10,4%.

Trong những tháng cuối năm, kinh tế nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu... do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, cơ quan thuế các cấp đang tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau đây.

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2021; tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư… để tạo nguồn thu

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho DN và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, qua đó hỗ trợ  DN và người dân, hồi phục, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu NSNN.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu.

Thứ tư, tăng cường thông tin, tuyên truyền chính sách, thủ tục hành chính thuế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ DN ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nắm bắt kịp thời và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.

Thứ năm, thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, tăng cường quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế ngay từ đầu năm. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác hoàn thuế điện tử.

Thứ sáu, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra; có biện pháp yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định (nhất là các tổ chức nước ngoài lớn như Facebook, Google, Youtube, Netflix...)...

Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ thuế tại cơ quan thuế các cấp, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021

Trong bối cảnh dịch Covid - 19 , Chính phủ hết sức quan tâm tới các giải pháp nhằm miễn giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động do dịch bệnh. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính dự thảo về các giải pháp hỗ trợ. Để bảo đảm khách quan, dự thảo có lấy ý kiến các bộ ngành, cộng đồng DN để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8.Chính phủ yêu cầu các giải pháp này phải phát huy hiệu quả cao nhất, giảm tối đa thủ tục hành chính để trước mắt kịp thời hỗ trợ người dân, DN ngay trong năm 2021.

Xem bài: Thu ngân sách 7 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2020

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

Năm 'điểm nóng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

DNTH: Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Và sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm...

XEM THÊM TIN