Như VietTimes đã đề cập ở kỳ trước, ông Nguyễn Văn Đông là nhà đầu tư cá nhân duy nhất tham gia thương vụ thoái vốn “khủng” của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Vinaconex. Được biết, ông Đông cũng là một doanh nhân khi đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Đông Nguyễn (Đông Nguyễn).
Khá bất ngờ khi địa chỉ thường trú của ông Đông, nhà đầu tư cá nhân được nhiều tờ báo gọi là "đại gia bí ẩn" khi thấy ông xuất hiện trong danh sách đăng ký đấu giá "khủng" trên - số 264 Lý Nam Đế, phường Hương Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế - lại là một tiệm tạp hóa khá đơn sơ.
Chủ tiệm tạp hóa này, một người thân của ông Đông, xác nhận nhà đầu tư này sống tại đây. Tuy vậy bà tỏ ra bất ngờ trước thông tin con rể đã đăng ký tham gia phiên đấu giá trọn lô 255 triệu cổ phần Vinaconex của SCIC - một phiên đấu giá đòi hỏi nhà đầu tư phải thu xếp được tối thiểu 5.500 tỷ đồng (làm tròn) để bỏ mức giá khởi điểm.
Đọc thêm: "Nhà đầu tư “bí ẩn” Nguyễn Văn Đông: Mẹ vợ không tin ông Đông giàu đến vậy" |
Chi tiết này càng củng cố cho giả định mà thị trường đã đồn đoán trước đó, rằng nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Văn Đông chỉ là cái tên đại diện, ra mặt cho một nhà đầu tư thực sự đằng sau trong "game" thoái vốn nhiều nghìn tỷ đồng tại Vinaconex.
Song phải khẳng định rằng, sự tham gia của ông Nguyễn Văn Đông, CTCP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty TNHH An Quý Hưng hay bất kể nhà đầu tư nào khác trong thương vụ đấu giá cổ phần Vinaconex của SCIC, trước tiên đều tích cực.
Nó phản ánh sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước (thông qua SCIC) tại Vinaconex, thể hiện sự lành mạnh và giá trị của doanh nghiệp, cho thấy hấp lực của thị trường, sự sôi động và kết quả của việc cải thiện của môi trường kinh doanh, niềm tin vào nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh "ế" hàng tại những thương vụ tương tự tại không ít doanh nghiệp có vốn nhà nước khác.
Càng nhiều nhà đầu tư tham gia, phiên đấu giá càng gay cấn, Nhà nước càng có cơ hội thu về được số tiền lớn hơn, chiến lược tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế càng có thành tựu tốt hơn.
Dĩ nhiên, đối với một thương vụ đấu giá cổ phần đặc biệt lớn như vậy, nhu cầu thông tin của công chúng và giới đầu tư là điều dễ hiểu. Sự quan tâm, theo dõi, thậm chí là giám sát tích cực từ dư luận sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch, hiệu quả cho hoạt động thoái vốn nhà nước ở không chỉ thương vụ đấu giá cổ phần Vinaconex lần này.
Trở lại những thông tin liên quan đến ông Nguyễn Văn Đông - nhà đầu tư cá nhân duy nhất đăng ký tham gia phiên đấu giá đến thời điểm này, chưa thể khẳng định một cách chính xác ông Đông đại diện cho nhà đầu tư hay nhóm nhà đầu tư nào (hay thực sự là cho chính cá nhân ông, như đăng ký). Việc xác định là không dễ, và những thông tin bổ sung mà VietTimes đề cập dưới đây sẽ chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Công ty Cổ phần Năng lượng BS Việt Nam
Sở dĩ đề cập đến Công ty Cổ phần Năng lượng BS Việt Nam (BS Việt Nam) là bởi lẽ đây là doanh nghiệp này đăng ký trụ sở bởi chính địa chỉ thường trú của ông Nguyễn Văn Đông (số 264 Lý Nam Đế, phường Hương Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế). Một trong những nhà sáng lập BS Việt nam này cũng đăng ký "nơi ở" tại địa chỉ này.
Người thân của ông Đông chia sẻ rằng gần đây ông Đông làm công ty về "năng lượng mặt trời", và vừa hay, BS Việt Nam cũng đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này. Nhưng đáng chú ý là ông Nguyễn Văn Đông không có tên trong danh sách sáng lập và sở hữu BS Việt Nam.
Vietnam Beverage muốn “khối lượng lớn” cổ phần Sabeco: Đừng nhầm và hãy lưu ý... |
Theo đó, tại Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (cấp ngày 21/9/2018), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chứng nhận cho 3 nhà đầu tư cá nhân - gồm một người Việt Nam (bà Trần Thị Hương Hà), một Việt kiều có Quốc tịch Việt Nam (ông Nguyễn Văn Quý Ngọc), một người Thái Lan (ông Boontham Soosongkram) - "thành lập Công ty cổ phần Năng lượng BS Việt Nam" (tên dự án).
"Quy mô dự án: Dự án thành lập công ty để cung cấp các dịch vụ: Hoạt động tư vấn đầu tư; Hoạt động tư vấn quản lý; Lắp đặt hệ thống điện; Lắp đặt hệ thống máy móc công nghiệp trong ngành xây dựng và xây dựng kỹ thuật dân dụng; Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp; Thi công xây dựng nhà cao tầng; Thi công xây dựng các công trình kỹ thuật dân sự; Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu, quyền phân phối bán buôn (không thành lập cơ sở bán buôn) hàng hóa theo quy định của pháp luật; giải quyết việc làm cho 14 lao động Việt Nam." - Giấy chứng nhận đầu tư nêu rõ.
Sẵn sàng “chồng” tối thiểu 5,5 nghìn tỷ đồng một lúc, 4 nhà đầu tư sắp “sống mái” để thế chỗ SCIC ở Vinaconex là ai? |
Trên cơ sở này, ngày 15/10/2018, Công ty Cổ phần Năng lượng BS Việt Nam (BS Việt Nam) chính thức được thành lập, có quy mô vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, ngành nghề chính là “Lắp đặt hệ thống điện”. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Thùy Trang (sinh năm 1981). Bà Trang có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nhưng bà Trang đăng ký chỗ ở hiện tại ở Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội.
Như thông tin tại chứng nhận đầu tư, tham gia góp vốn thành lập BS Việt Nam bao gồm các nhà đầu tư: Boontham Soosongkram (quốc tịch Thái Lan) góp 49%; Trần Thị Hương Hà góp 25% và Nguyễn Văn Quý Ngọc (Việt kiều tại Lào) góp 26% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Boontham Soosongkram (sinh năm 1970) có nhiều mối liên hệ tới một công ty làm trong lĩnh vực năng lượng tại Thái Lan là BS Industry Service Company Limited (BS Industry Service). Đáng chú ý, nhà đầu tư này cũng có tên trùng với người sáng lập công ty BS Industry Service. Và nhiều khả năng hai người này là một, khi Giấy chứng nhận đầu tư - phần về ông ông Boontham Soosongkram - có nêu địa chỉ email của ông là: boontham.s@bsindustryservice.com.
Ảnh chụp màn hình phần Giới thiệu về BS Industry Service trên trang chủ doanh nghiệp này
|
Theo giới thiệu trên trang chủ, BS Industry Service là nhà thầu EPC có kinh nghiệm trong thiết kế, cung cấp thiết bị và xây dựng công trình cho các trang trại điện mặt trời (solar farm).
Trong khi đó, bà Trần Thị Hương Hà (sinh năm 1975) còn là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Thương mại du lịch Thanh Toàn Paragon (Thanh Toàn Paragon). Công ty này mới được thành lập vào ngày 26/10/2018, chỉ sau BS Việt Nam 1 tuần làm việc và có quy mô vốn 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của Thanh Toàn Paragon cũng là những cá nhân có liên quan tới BS Việt Nam, bao gồm: bà Trần Thị Hương Hà (chiếm 45%), ông Nguyễn Văn Quý Ngọc (chiếm 50%) và bà Trần Thị Thùy Trang (chiếm 5%).
Còn ông Nguyễn Văn Quý Ngọc (sinh năm 1974), như đã đề cập là một Việt kiều tại Lào, ông có quốc tịch Việt Nam đăng ký hộ khẩu thường trú tại một ngôi nhà trên đường Vạn Xuân, phường Kim Long, Tp. Huế. Nhưng lại đăng ký "chỗ ở hiện tại" - theo Giấy chứng nhận đầu tư - tại số 264 Lý Nam Đế, phường Hương Long, Tp. Huế; Đây chính là địa chỉ thường trú của ông Đông, cũng là nơi đặt trụ sở của BS Việt Nam, và còn là địa chỉ của tiệm tạp hóa của nhà ông Đông.
Khác với sự “bí ẩn” của ông Nguyễn Văn Đông, ông Nguyễn Văn Quý Ngọc lại là một doanh nhân đã từng xuất hiện trên truyền thông, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Lào và tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời được biết đến là con người đi lên từ gian khó, nặng lòng với vùng đất cố đô.
Từ nhà hàng Vietfood tại Lào đến đường bay thẳng Huế - Thái Lan
Doanh nhân Nguyễn Văn Quý Ngọc sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Năm 1992, nhằm muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, ông đã một mình sang Lào tìm kiếm cơ hội mới, khởi đầu từ việc trở thành công nhân xây dựng.
Doanh nhân Nguyễn Văn Quý Ngọc trong một chương trình của kênh VTC 10 (Ảnh: Cắt từ clip)
|
Sau 5 năm tích lũy kinh nghiệm, ông Ngọc bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng việc tự mở một xưởng trang trí nội thất. Nhờ có tài kinh doanh, xưởng trang trí nội thất của doanh nhân Nguyễn Văn Quý Ngọc ngày càng phát triển về quy mô và dần chiếm lĩnh thị trường tại thủ đô Viêng Chăn - Lào.
Tới năm 2006, ông Ngọc tiếp tục mở thêm nhà máy sản xuất đá tinh khiết cách thủ đô của Lào 10 km, cung cấp cho hầu hết nhà hàng, khách sạn lớn tại địa phương.
Nhưng làm nên tên tuổi của vị doanh nhân này phải kể đến nhà hàng Vietfood tại Lào được ra đời vào năm 2008 với vai trò là sứ giả giới thiệu ẩm thực Việt Nam.
Nhà hàng chỉ tuyển đầu bếp là người Việt, nguồn nguyên liệu thực phẩm, gia vị cũng được ông Ngọc lựa chọn ở Việt Nam và chuyển sang Lào. Bên cạnh đó, nhà hàng Vietfood cũng tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, tái hiện hình ảnh Việt Nam trên đất nước bạn. Đây là những nét đặt biệt mang lại sức hấp dẫn và thương hiệu cho nhà hàng Vietfood tại đất nước Lào.
Không chỉ có vậy, với mong muốn đóng góp cho quê hương, ông Nguyễn Văn Quý Ngọc còn tận dụng mạng lưới bạn bè tại Thái Lan – Lào – Campuchia – Việt Nam để kêu gọi thu hút đầu tư vào Việt Nam và Huế.
Đặc biệt, trong năm 2015, nhân sự kiện diễn đàn “Hợp tác và Đầu tư Thái Lan vào tỉnh Thừa Thiên Huế”, chuyến bay thẳng đầu tiên (theo hình thức “charter flight”) từ Băng Cốc (Thái Lan) đến sân bay Phú Bài (Huế) đã được khai trương.
Đây là kết quả của quá trình hợp tác giữa CTCP Việt Lào Thái (Công ty Việt Lào Thái)– một doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Quý Ngọc làm Giám đốc, và hãng hàng không NewGen Airways đến từ Thái Lan.
Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như cộng đồng doanh nghiệp, góp phần mở ra cơ hội phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào địa phương.
Chưa rõ doanh nhân Nguyễn Văn Quý Ngọc, nhóm công ty của ông và đặc biệt là BS Việt Nam có liên hệ gì với nhà đầu tư Nguyễn Văn Đông và thương vụ đấu giá cổ phần Vinaconex hay không. Nhưng trước mối quan tâm lớn của thị trường khi phiên đấu giá đang ngày một gần hơn, thì những thông tin, kể cả những sự trùng hợp thú vị vừa đề cập là những chi tiết có thể tham khảo.
Muốn tham gia đấu giá, nhà đầu tư cần có gì? Khi tham gia đăng ký mua cổ phần của SCIC, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều nghĩa vụ cam kết như: Tự tìm hiều đầy đủ thông tin về VCG (Điều lệ doanh nghiệp, báo cáo tài chính, tình hình hoạt động, và các nội dung công bố thông tin khác); Thực hiện nộp hồ sơ chứng minh năng lực theo quy định; và thỏa mãn nhiều quy định pháp lý khác. Đáng chú ý, trong hồ sơ năng lực (thời gian nộp từ ngày 24/10 – 16h ngày 13/11/2018), nhà đầu tư phải có được xác nhận của Ngân hàng về số dư tài khoản của Nhà đầu tư tối thiểu bằng số Tiền đặt cọc mua cả lô cổ phần. Số Tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần cả lô tính theo khởi điểm đấu giá là 5.429,37 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư muốn tham gia đấu giá sẽ phải nộp số tiền không hề nhỏ là 542,937 tỷ đồng. Mặc dù, thời gian nộp tiền đặt cọc và làm thủ tục đăng ký từ ngày 26/10/2018 đến 16h ngày 21/11/2018. Nhưng để có giấy xác nhận của Ngân hàng theo đúng thời hạn nộp hồ sơ năng lực, nhà đàu tư tham gia (trong đó có ông Nguyễn Văn Đông) đã phải thu xếp được một số tiền không nhỏ, chỉ trong vòng 3 tuần, kể từ thời điểm Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin về đợt thoái vốn của SCIC. Được biết, thời gian bắt đầu tổ chức cuộc đấu giá sẽ diễn ra vào lúc 14h40 ngày 22/11/2018 tại HNX - có địa chỉ là Số 2, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi phiên đấu giá diễn ra, nhà đầu tư thực hiện thanh toán sao cho phải đảm bảo SCIC nhận được tiền thanh toán mua cổ phần chậm nhất trong ngày 4/12/2018. Trước khi công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia đấu giá, ngày 12/11/2018, SCIC đã có thông báo cho biết tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex là 0%. Thông báo của SCIC nêu rõ, trong trường hợp có mâu thuẫn về nội dung tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinaconex tại Bản công bố thông tin và Quy chế đấu giá với nội dung mới được công bố thì nội dung mới sẽ được ưu tiên áp dụng. Thông tin này đã gây bất ngờ cho thị trường, bởi lẽ, các nhà đầu tư nước ngoài thường được kỳ vọng là những nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ thoái vốn quy mô lớn của nhà nước tại các doanh nghiệp. Khi khóa “room” ở mức 0%, nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn (về mặt chính danh) nếu muốn tham dự phiên đấu giá cổ phần Vinaconex sắp tới của SCIC. Mặt khác, Vinaconex cũng đang có cổ đông ngoại là PYN Elite Fund nắm giữ tới 33,289 triệu cổ phiếu (tương đương với 7,54% vốn điều lệ). Với việc “room” dành cho khối ngoại là 0%, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể tiến hành bán ra cổ phiếu VCG đang nắm giữ mà không được mua mới. Dù vậy, nếu xét đến các thương vụ thoái vốn cổ phần nhà nước trước đó tại CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã CK: SAB), tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng không quá quan trọng nếu các nhà đầu tư ngoại thực sự muốn thâu tóm. Đặc biệt, lô cổ phần của SCIC chiếm tới 57,71% vốn điều lệ của Vinaconex, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư thắng cuộc sẽ có lợi thế chi phối tại doanh nghiệp. Chỉ có điều, với việc “lách” các quy định, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ gặp phải nhiều rủi ro pháp lý./. |
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...