Trái cây Việt lên ngôi nhưng tiềm năng còn lớn

15:54 | 24/11/2017

DNTH: Trái cây đang là điểm sáng của xuất khẩu (XK) nông sản Việt Nam trong vài năm trở lại đây với kim ngạch XK ngày càng tăng. Tuy nhiên, do hàm lượng chế biến chưa cao, chủ yếu XK dưới dạng quả tươi nên giá trị gia tăng mang lại chưa cao, tiềm năng còn bị bỏ ngỏ.

Tiềm năng lớn

Các nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp đều khẳng định đây là thời điểm để các doanh nghiệp tham gia thị trường chế biến trái cây.

Năm 2016 sản lượng xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt giá trị 2,45 tỷ USD, tăng trưởng 31,2% so với cùng kỳ năm 2015, là lần đầu tiên vượt sản lượng xuất khẩu gạo. Riêng 10 tháng đầu năm 2017 giá trị xuất khẩu trái cây đạt 2,48 tỷ USD. Với kế hoạch xuất khẩu năm 2017, Việt Nam đang tiến gần tới con số 3 tỷ USD.

Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), các thị trường nhập khẩu rau quả lớn liên tục tăng trưởng về giá trị, từ 13 thị trường với kim ngạch trên 1 triệu USD năm 2004, đến năm 2016 đã có 10 thị trường trên 20 triệu USD, bên cạnh Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 70,8% thị phần, nhiều loại rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu vào các thị trường cao cấp có yêu cầu rất cao như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan…

Bà Nguyễn Minh Phương, chuyên viên Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết: Nông thủy sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường các quốc gia châu Phi, trong đó điểm nhấn là gạo, cà phê, rau quả. “Năm 2016, các nước châu Phi chi 35 tỷ USD NK nông sản thực phẩm. Dự kiến, chi NK các mặt hàng này sẽ tăng lên 110 tỷ USD vào 2025. Yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm của thị trường này không quá khắt khe”, bà Phương nói.

Đối với thị trường Trung Đông, bà Phương cho hay, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% lương thực thực phẩm phụ thuộc vào NK. Thị trường các nước Trung Đông có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su tự nhiên, hạt điều, trái cây (đặc biệt là chuối, dứa, chanh…),...

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển ngành trái cây của Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huy, đại diện Cục Trồng trọt cho hay, Việt Nam có 10 loại trái cây chủ lực, Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, trồng rải vụ các cây ăn quả chủ lực như chuối, xoài, dứa…

Mục tiêu tổng diện tích cây ăn quả cả nước tăng lên 910.000 ha, tổng sản lượng quả các loại trên 9,5 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng bình quân trên 20%/năm, phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt trên 4,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN) Việt là khâu thanh toán. Đơn cử như thị trường Trung Đông và Châu Phi, do cách xa nhau về địa lý nên việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các nước này tốn rất nhiều thời gian và chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của DN Việt.

Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh XK hàng hóa vào các thị trường mới, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các DN Việt phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình để có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đồng thời, các DN cũng cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các quốc gia này để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặc trưng từng thị trường…

Tăng cường khâu chế biến

Tuy đã có những bước tiến lớn trong sản xuất và xuất khẩu trái cây, nhưng theo ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt: “Với giá trị thị trường nhập khẩu rau quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% so với thế giới, đây là con số rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, dù ngành sản xuất quả Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Mặt khác, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu trái cây dưới dạng trái cây tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật”.

Các doanh nghiệp cần quan tâm đến chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho trái cây. 

Theo các chuyên gia, do trái cây Việt yếu ở khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch nên giá trị gia tăng không cao. Ông Matthias Ehrtmann, Trưởng phòng Thực phẩm, Công ty Rieckermann Việt Nam, cho hay: “Nước Anh dù không trồng chanh leo nhưng họ đã nhập khẩu chanh leo về chế biến. Sau khi chế biến, họ bán sang Việt Nam với giá 5 USD/chai nước chanh leo, trong khi sản phẩm chanh leo tươi củaViệt Nam bán chưa tới 1 USD/kg”.

Một câu chuyện thực tế khác là, dừa Việt Nam có năng suất cao hơn so với nhiều nước, nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự thua kém rõ rệt trong khâu chế biến. Cụ thể, Philippines tập trung phát triển dừa organic và giá trị gia tăng của cây dừa như sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết... Trong khi đó, sản phẩm chế biến từ dừa của Việt Nam còn ít về chủng loại, chủ yếu ở dạng bán thành phẩm, giá trị gia tăng không cao.

Theo ông Roberto Benvenuti, phụ trách kinh doanh và Marketing của Bertuzzi Food Processing Italia, công nghệ chế biến sẽ giúp trái cây Việt Nam cạnh tranh tốt và có giá trị gia tăng cao hơn. Theo đó, giá nhập khẩu chanh leo cô đặc ở châu Âu là trên 2.000 USD/tấn; ổi cô đặc bán ở thị trường châu Âu là 1.000 - 1.200 USD/tấn... “Hiện chỉ có Ấn Độ chế biến ổi, nước này cung cấp số lượng lớn sản phẩm cho châu Âu. Đây là những cơ hội và tiềm năng lớn cho ngành trái cây Việt Nam nếu chúng ta phát triển được công nghiệp chế biến”, ông Roberto Benvenuti nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Matthias Ehrtmann, đại diện Công ty Rieckermann cho biết: “Một trong những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến trái cây đang đối mặt là công nghệ chế biến chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm tạo ra lợi nhuận bền vững. Giải pháp hàng đầu được các chuyện gia đưa ra chính là sự thay đổi và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, áp dụng các nguyên liệu mới, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm”.

Ông Matthias Ehrtmann cho biết thêm, hiện nay Công ty Rieckermann đang áp dụng 2 công nghệ tiên tiến nhằm tiếp cận gần hơn với thị trường chế biến trái cây, đó là công nghệ Bertuzzi Food Processing, giúp tăng chất lượng sản phẩm và hiệu suất thu hồi thông qua việc sử dụng các máy móc và thiết bị chuyên dụng phù hợp với đặc tính của từng loại trái cây.

Thứ hai là công nghệ Hiperbaric, đây là công nghẹ xử lý nước ép bằng áp lực áp suất cao đảm bảo giữ nguyên vẹn dinh dưỡng cũng như hương vị của nước ép trái cây nguyên chất và tăng hạn sử dụng cho sản phẩm.

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận các công nghệ hiện đại này nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm trái cây xuất khẩu”, ông Matthias Ehrtmann khẳng định.

Theo ông Nguyễn Như Cường, ngành trái cây Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai phá. Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định sự tham gia của DN là vô cùng quan trọng để thúc đẩy ngành trái cây phát triển, phát triển chuỗi sản xuất trái cây, đẩy mạnh bảo quản chế biến. “Trong thời gian tới Việt Nam xác định trái cây là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển và là sản phẩm chủ lực của ngành và sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp”.

Ông Cường mong muốn thời gian tới Công ty Rieckermann sẽ xây dựng dự án nhà máy chế biến trái cây ở Việt Nam đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tiếp cận các công nghệ chế biến sâu.

Khánh Nguyên

KTNT

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh

DNTH: Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển...

Khi nông dân biến sợi rơm thành sợi vàng

DNTH: Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường, nông dân An Giang đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống

DNTH: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch...

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó ở tiêu chí nước sạch

DNTH: Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi phấn đấu đưa 33 xã về đích nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay chỉ có 8 xã đạt chuẩn, 9 xã đăng ký về đích vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy nhiều địa phương đều gặp khó vì...

Gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

DNTH: Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của các địa phương, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Nông...

Tích tụ ruộng đất: Hồi sinh những cánh đồng hoang

DNTH: Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tích tụ ruộng đất đã trở thành xu thế tất yếu, hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Thay vì nhiều canh đồng bị bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả, giờ đây những cánh đồng...

XEM THÊM TIN