Hội đồng quản trị CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) vừa công bố thông tin về việc chào mua công khai cổ phần của CTCP GTNfoods (Mã CK: GTN).
Theo đó, VNM sẽ thực hiện chào mua tối đa hơn 116,7 triệu cổ phần GTN, tương đương với 46,68% số lượng cổ phần đang lưu hành. Với mức giá chào mua 13.000 đồng/cổ phần, số tiền tối đa mà VNM sẽ bỏ ra cho thương vụ này sẽ lên tới 1.517,2 tỷ đồng.
Căn cứ xác định mức giá chào mua kể trên không được VNM tiết lộ cụ thể. Nếu tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu GTN ngày 12/3 là 16.400 đồng/cổ phiếu, mức giá chào mua theo công bố của VNM thấp hơn tới 20,7%.
Thời gian thực hiện giao dịch được VNM cho biết sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và tuân theo các quy định pháp luật hiện hành.
Dù thời gian thực hiện giao dịch tỏ ra khá linh hoạt, VNM khó có thể thực hiện mua gom được tối đa số cổ phần đăng ký chào mua công khai nếu không có sự “hợp tác” từ các cổ đông lớn của GTN.
Theo danh sách cổ đông chốt ngày 31/12/2018, hiện có 3 cổ đông lớn tham gia nắm giữ cổ phiếu GTN là CTCP Invest Tây Đại Dương (28,02%); TAEL Two Partners (22%) và quỹ đầu tư PENM IV Germany GmbH & Co.KG (6%).
Số lượng cổ đông lớn của GTN gần đây (ngày 6/3/2019) nhiều khả năng đã gia tăng lên con số 4 với sự góp mặt của CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC - Mã CK: HCM). Được biết, nhà đầu tư tổ chức này đã thực hiện mua vào lượng lớn cổ phần GTN, sở hữu 8,027% vốn điều lệ (trong khoảng thời gian này không có cổ đông lớn nào đăng ký bán ra cổ phiếu GTN) tại GTNfoods.
Như vậy, sau khi giảm trừ tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn, chỉ còn hơn 35,9% số lượng cổ phiếu GTN đang lưu hành do cổ đông nhỏ lẻ đang nắm giữ.
Những nét tương đồng
Năm 2018, GTN đã thực hiện thoái vốn tại nhiều công ty con không nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn, với mục tiêu nhằm đem lại nguồn lực tập trung phát triển các mảng cốt lõi là sữa, trà và rượu vang.
Trong đó, đối với mảng kinh doanh sữa, công ty này đã đẩy mạnh chi phí đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, tăng chi phí chiết khẩu, để phát triển, mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh. Các chi phí gia tăng này cũng là một phần nguyên nhân khiến cho GTN không đạt được kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Được biết, GTN hiện đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu 51% vốn tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk - viết tắt: MCM).
Công ty MCM đang sở hữu trên 24.000 con bò, 2 nhà máy chế biến và đóng gói với tổng công suất 250 tấn sữa/ngày. Thị trường chính của MCM là địa bàn các tỉnh miền Bắc, chiếm khoảng 9% thị phần trên cả nước.
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (diễn ra vào tháng 4/2018), lãnh đạo GTN cho biết MCM đang có quyền sử dụng đất 1.000 ha và đang thực hiện liên kết với người nông dân để xây dựng trang tại, trồng cây làm thức ăn cho bò sữa với tổng diện tích đất ước đạt trên 3.000 ha.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La chủ yếu giao cho MCM chủ trì thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn với mục tiêu đến năm 2020 tổng đạt bò sữa đạt từ 32.000 - 35.000 con, đến năm 2030 đạt từ 70.000 - 100.000 con.
Do thị trường miền Bắc không ổn định theo các mùa gây ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh, MCM dự định sẽ tiến vào thị trường miền Nam và đặt mục tiêu chiếm lĩnh từ 12-15% thị phần sữa uống.
Về phía VNM, theo chia sẽ của đại diện công ty này tại Hội nghị Vietnam Access Day (VAD), Vinamilk ước tính hoạt động M&A tiềm năng đến năm 2021 sẽ mang lại thêm 6.000 tỷ đồng doanh thu. Qua đó, VNM kỳ vọng tổng doanh thu vào năm 2021 sẽ đạt 70 nghìn tỷ đồng, so với 53 nghìn tỷ đồng năm 2018 (tăng trưởng 32%).
Có thể thấy, việc thực hiện mua gom lượng lớn cổ phiếu GTN (công ty mẹ của MCM) phần nào phù hợp với chiến lược VNM đã đề ra, góp phần củng cố được vị thế công ty này trong lĩnh vực đồ uống, đặc biệt là mảng kinh doanh sữa.
Đây cũng được xem là phương án tối ưu cho VNM khi cơ cấu cổ đông của MCM khá “bền vững”. Bên cạnh sở hữu của GTN (chiếm 51% cổ phần), hơn 30% cổ phần MCM do các hộ chăn nuôi nắm giữ, còn lại chủ yếu là của ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên./.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...