Viwasupco liệu có cố tình lấp liếm vụ nước nhiễm dầu?

15:59 | 15/10/2019

DNTH: Theo Luật sư Nguyễn Đại Hải, việc công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà biết đầu nguồn nước bị nhiễm dầu nhưng không báo cáo ngay sự việc mà tự tăng hóa chất xử lý nước rồi bán do dân là hành vi thiếu trách nhiệm.

Nguyên nhân khiến cuộc sống của hàng vạn người dân Hà Nội bị đảo lộn vì nước có mùi khét và mùi hóa chất nồng nặc những ngày vừa qua được xác định có thể là do công ty nước sạch Sông Đà nâng hàm lượng clo để xử lý nước sau khi phát hiện có dầu loang ở đầu nguồn nước.

Theo đó, từ tối ngày 8/10, người dân khu vực này đã phát hiện một xe ôtô tải loại 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm xuống khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình), bốc mùi khó chịu. Sau đó, địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà.

Ngay sáng ngày 9/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã nắm bắt được sự việc, tuy nhiên, thay vì ngừng cấp nước và báo cáo sự việc thì công ty này lại im lặng thuê khoảng 50 người dân vớt dầu loang, với chi phí 500.000 đồng một ngày. Đến ngày 14/10, 5 ngày sau khi phát hiện nước đầu nguồn cung cấp cho Hà Nội đen đặc váng dầu, Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà mới báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội.

Trước đó, ngay khi nhận được phản ánh của người dân, nhiều phóng viên báo chí đã liên hệ với Ban lãnh đạo Viwasupco để chia sẻ một số hình ảnh, video clip ghi lại cảnh có vết dầu loang tại đầu nguồn nước nhà máy sông Đà. Thế nhưng, phản hồi lại thông tin này, lãnh đạo Viwasupco khẳng định: “Nhầm lẫn, không phải vị trí gần nhà máy”. Đến khi mọi thông tin được xác minh và công khai lên mặt báo thì Viwasupco mới làm văn bản báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về sự cố dầu thải đầu nguồn nước.

Trong khi đó, hàng vạn người dân sử dụng nước của nhà máy này những ngày qua đều rất hoang mang, lo lắng vì nước sinh hoạt có mùi. Hầu hết các hộ dân đều phải mua nước lọc đóng bình để sử dụng thay thế. Thậm chí, vì quá hoang mang, nhiều hộ dân còn bàn nhau lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

Reatimes đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Đại Hải, Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn FANCI về góc nhìn trách nhiệm qua câu chuyện này.

PV: Trong vụ việc hàng vạn dân ở Hà Nội phải sử dụng nước bốc mùi từ Công ty nước sạch Sông Đà nhiều ngày nay, theo luật sư trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Công ty nước sạch Sông Đà là đơn vị cấp nước được UBND TP. Hà Nội lựa chọn, trực tiếp cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội. Thỏa thuận thực hiện việc cấp nước phải có nội dung quy định cụ thể về các điều kiện dịch vụ như: Chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục, lộ trình cải thiện các điều kiện dịch vụ. Công ty nước sạch Sông Đà phải đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn quy định tại Nghị Định 06/VBHN-BXD ngày 13/9/2018.

Mỗi cá nhân tổ chức khi sử dụng nước sạch tại Công ty nước sạch Sông Đà phải ký hợp đồng sử dụng nước sạch, hợp đồng quy định đầy đủ các nội dung tại điều 44 Nghị Định 06 trong đó có quy định về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ.

Nếu công ty nước sạch Sông Đà bán nước (bẩn) không đạt tiêu chuẩn chất lượng là vi phạm hợp đồng cấp nước, vi phạm quyền và nghĩa vụ của đơn vị cấp nước (điều 55, Nghị Định 06/VBHN-BXD ngày 13/9/2018), như vậy trách nhiệm thuộc về công ty Công ty nước sạch Sông Đà.

Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra giám sát chất lượng nguồn nước cũng như xử lý khi có vi phạm xảy ra.

Luật sư Nguyễn Đại Hải.

PV: Rõ ràng, công ty CP nước sạch Sông Đà đã sớm biết có dầu thải ở phía đầu nguồn cung cấp nước nhưng vẫn im lặng bán nước cho dân. Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của công ty này sau khi xảy ra sự cố?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Ở đây phải đặt vấn đề: Có hay không việc công ty này cố tình lấp liếm sự việc và thiếu trách nhiệm trong xử lý sự cố, khi sự việc xảy ra nhiều ngày mới có thông tin tới Sở Xây dựng và người dân. Điều đáng bàn là dù biết nguồn nước bị nhiễm dầu, công  ty này vẫn xử lý và cung cấp nước cho người dân. 

Luật Bảo vệ môi trường 2014 có quy định “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình”. Như vậy, khi phát hiện hành vi vi phạm hủy hoại môi trường thì đơn vị, tổ chức, cá nhân đó phải ngay lập tức thông báo đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời, nhanh chóng.

Ngoài ra, theo quy định thì đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước do mình quản lý. Chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với đơn vị cấp nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước trên địa bàn; khi xảy ra sự cố thì đơn vị cấp nước phải báo cáo về tình hình sự cố ngay lập tức tới cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương và Trung ương (ở đây là Bộ Xây dựng) để có biện pháp phối hợp giải quyết.

Do đó, trong khâu quản lý, thực hiện nhiệm vụ của mình, cá nhân, bộ phận nào thiếu trách nhiệm, không làm đúng trách nhiệm gây hậu quả về việc người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng liên tục nhiều ngày thì cá nhân, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Qua sự cố này, cũng bộc lộ ra quy trình sản xuất nước sạch cung cấp cho hàng vạn người dân còn rất lỏng lẻo, nguồn nước có thể bị “xâm hại” bất cứ lúc nào.

Kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà bị ô nhiễm bởi dầu thải.

PV: Trường hợp các chỉ số mẫu nước xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe, luật sư đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc? Khung xử lý đối với các bên liên quan là gì?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Trong trường hợp nguồn nước không đảm bảo chất lượng, tôi cho rằng đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng vì quy mô, mức độ ảnh hưởng của nó lên đến hàng vạn người, những người dân vẫn đang sinh sống phải sử dụng nguồn nước này hằng ngày.

Tùy vào tính chất mức độ thiệt hại thì pháp luật có chế tài xử lý vi phạm theo lỗi vi phạm trong vụ việc này.

Trước tiên, chúng ta phải xem xét hành vi vi phạm của các đối tượng đã có hành vi khi trực tiếp thải trộm chất thải dầu nhớt ra đầu nguồn nước sông Đà gây ô nhiễm.

Điều 234, Bộ Luật Hình sư 2015 quy định về tội “gây ô nhiễm môi trường” thì cá nhân, tổ chức nào gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm và có thể bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng.

Đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình mà vi phạm trong việc phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự có môi trường cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất mức độ vi phạm, gây thiệt hại có thể bị phạt tù từ 1 - 3 năm và bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng. Điều này được quy định cụ thể tại điều 237 Bộ Luật Hình sự 2015. 

Người dân phải mua nước từ nơi khác vì nước sinh hoạt bốc mùi.

PV: Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà có phải bồi thường cho dân vì sự cố nước sạch bốc mùi hay không?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Nghị định 06/2018//VBHN-BXD ngày 13/9/2018 quy định:

Điều 47. Sai sót và bồi thường thiệt hại

1. Sai sót trong dịch vụ cấp nước khi chất lượng nước, phương thức cấp nước hoặc các dịch vụ của đơn vị cấp nước không đáp ứng các yêu cầu theo các điều khoản của Hợp đồng dịch vụ cấp nước.

2. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước do những sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ không đúng với các điều khoản ghi trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước. Khiếu nại của khách hàng sử dụng nước phải được gửi cho đơn vị cấp nước trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện sai sót. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại của khách hàng sử dụng nước.

Như vậy, khi người dân sử dụng nước bị ô nhiễm, bốc mùi hoàn toàn có thể khiếu nại đến Công ty nước sạch Sông Đà và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị thiệt hại khi nguồn nước được cung cấp không thể sử dụng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

PV: Ngoài sự thiếu trách nhiệm của Viwasupco, sau vụ ô nhiễm không khí, một lần nữa các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội lại khiến hàng vạn cư dân thất vọng khi phải sống trong sự hoang mang lo lắng nhiều ngày, khi người dân phải tự chạy vạy đi xin nước, thậm chí đi lấy mẫu nước xét nghiệm. Còn cơ quan chức năng thì im lặng không phản hồi hoặc có những phản hồi không rõ ràng.

Cụ thể, gần như tất cả những gì Hà Nội làm trong 5 ngày qua kể từ khi người dân phát hiện sự cố là cử một đoàn liên ngành đánh giá chất lượng nước sông Đà. Tuy nhiên, cũng không hề đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người dân sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? Giải pháp xử lý nước bốc mùi đã bán cho người dân ra sao?

Luật như có suy nghĩ gì về câu chuyện này?

Luật sư Nguyễn Đại Hải: Những thông tin không chính thống về mức độ ô nhiễm khiến người dân hoang mang lo lắng. Đáng lẽ, sau khi sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng phải kịp thời thông tin chính xác đến người dân, hướng dẫn người dân cùng khắc phục những vấn đề về ô nhiễm để người dân an tâm.

Khi chính quyền nói ra để người dân hiểu và cùng người dân giải quyết thì tôi cho rằng sẽ không có sự lo lắng, hay sự bức xúc nào từ phía người dân cả. Cơ quan chức năng phải sớm yêu cầu Nhà máy nước sạch Sông Đà cung cấp thông tin chính xác về nguồn nước mà người dân đang sử dụng, mức độ ô nhiễm, an toàn và phương án xử lý một cách nghiêm túc ngay từ khi sự việc xảy ra.

Tuy nhiên, trong khi dư luận đang xôn xao, người dân bức xúc, lo lắng sức khỏe của mình thì đáp lại từ chính quyền là “sự im lặng”. Điều này thể hiện chính quyền đang lúng túng khi không tìm ra cách giải quyết vấn đề hay nói cách khác đây có thể là hành vi trốn tránh trách nhiệm.

Câu chuyện ô nhiễm không khí vừa qua hay sự việc “nước sạch” Sông Đà bốc mùi đã cho thấy sự vào cuộc chậm chạp và “khá thận trọng” của chính quyền. Trong khi người dân cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng thời phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ; lên tiếng cảnh báo, đưa ra những khuyến cáo hoặc hỗ trợ người dân khi cần thiết thay vì để người dân tự bơi trong sự hoang mang, lo lắng và bức xúc.

- Cảm ơn luật sư vì những chia sẻ!

Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc- Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 tại nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà  Đông... Trong chiều ngày 12/10, đoàn liên ngành TP. Hà Nội gồm Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị cung cấp nước sạch sông Đà đã đi kiểm tra “chớp nhoáng”, lấy mẫu nước tại ba địa điểm là: Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất và tại Nhà máy nước sông Đà (tỉnh Hòa Bình). Dự kết quả sẽ có sau 7 ngày. Tuy nhiên, nước tại nhà dân lại không được lấy mẫu kiểm tra.
 

 Minh Minh (Ratimes thực hiện)

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN