“Xẻ thịt” đất Công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe: Chủ đầu tư từng dính nhiều tai tiếng

08:21 | 20/03/2019

DNTH: Việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ được chấp thuận nghiên cứu, đề xuất Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Không khó để biết nguyên nhân vì sao dự án trên bị phản ứng dữ dội như vậy, trong khi đó danh tính và năng lực của chủ đầu tư vẫn chưa tỏ tường.

Dấu hỏi lớn về năng lực chủ đầu tư

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện người dân phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) và các khu dân cư lân cận lên tiếng phản đối việc doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại - gọi tắt là Dự án. Được biết, chủ đầu tư Dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ - gọi tắt là Công ty Tây Hồ. Dự án có tổng mức dự kiến đầu tư 565 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và huy động hợp pháp của doanh nghiệp để triển khai.

Như đã biết, dù chính quyền sở tại mới chỉ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về việc thực hiện Dự án, nhưng đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Việc doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất Dự án thì vẫn làm, nhưng nó có được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư hay không thì đó là một câu chuyện khác.

Đặc biệt, khi một Dự án đang vấp phải những ý kiến trái chiều như trên thì đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, mà các cấp chính quyền cần phải xem xét thấu đáo. Ở đây, chính quyền TP. Hà Nội, quận Cầu Giấy và phường Dịch Vọng cần ghi nhận, cân nhắc những ý kiến đóng góp của người dân, trong việc “xẻ thịt” đất Công viên Cầu Giấy để làm bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ thương mại.

Giữa “tâm bão” của những tranh cãi về việc thực hiện Dự án, những thông tin về chủ đầu tư dường như rất hạn chế. Theo tìm hiểu của Reatimes, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ được đăng ký lần đầu ngày 18/3/2016 (đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 12/3/2018). Cổ đông sáng lập công ty gồm: Ông Lê Quang Trường (HKTT số nhà 517 đường Lạc Long Quân, tổ 21, cụm 3 phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội), nắm giữ 3% cổ phần; bà Đặng Thị Mai Hương (HKTT tại số nhà 12 ngõ 678 - Lô 5a-12 khu D5, dự án đấu giá quyền sử dụng đất, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) nắm giữ 5% cổ phần; ông Chu Văn Lý (Sinh ngày 2/4/1963, HKTT tại số nhà 12 ngõ 678  - Lô 5a-12 khu D5, dự án đấu giá quyền sử dụng đất, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) nắm giữ 75% cổ phần. Trong đó, ông Chu Văn Lý là Chủ tịch HĐQT và ông Lê Quang Trường là Giám đốc công ty.

Công ty Tây Hồ có tổng vốn điều lệ 255 tỷ đồng. Đáng lưu ý là số lượng lao động mà công ty đăng ký chỉ vỏn vẹn 5 người. Hồ sơ cho thấy, ông Chu Văn Lý còn là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Hồ UPA (địa chỉ Nhà 24, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Công ty này được thành lập vào ngày 12/3/2018, số lao động đăng ký cũng chỉ 8 người.

Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại sẽ có phần nổi sẽ có khối công trình cao khoảng 9m, với diện tích 725m2.

Cũng theo tìm hiểu của Reatimes, Công ty Tây Hồ không chỉ vướng “lùm xùm” khi được chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại. Trước đó, Công ty Tây Hồ còn là chủ đầu tư Dự án bãi đỗ xe ngầm phía dưới khuôn viên đất Công viên cây xanh thể thao (thuộc khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Theo thông báo của UBND TP. Hà Nội, dự án trên gồm các hạng mục: phần ngầm phía dưới là 03 tầng hầm để xe, còn phần phía trên của hầm để xây dựng vườn hoa, trồng cây xanh, làm đường dạo (với điều kiện lớp đất dày để trồng cây xanh, đảm bảo trồng cây đúng loại, đúng quy hoạch). Tổng kinh phí của dự án là 300 tỷ đồng.

Như vậy, nếu được chấp thuận đầu tư xây dựng Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại, thì Công ty Tây Hồ sẽ là chủ đầu tư hai dự án “khủng”, với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là chỉ với vỏn vẹn 5 lao động được đăng ký thì Công ty Tây Hồ sẽ thực hiện Dự án như thế nào?

Ngoài ra, báo chí đã từng phản ánh, trong quá trình thi công xây dựng dự án bãi đỗ xe ngầm tại phường Mễ Trì, xe ra vào dự án chưa thực hiện được các biệp pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rơi vãi đất ra đường trong khu đô thị, gây ô nhiễm về bụi và tiếng ồn tới môi trường xung quanh, gây bức xúc trong dân. Sau đó, UBND phường Mễ Trì đã có báo cáo gửi UBND quận Nam Từ Liêm, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Chính vì thế, khi nghe tin Công ty Tây Hồ tiếp tục được UBND Thành phố giao nghiên cứu, đề xuất Dự án đã khiến người dân như “ngồi trên đống lửa”. Nhiều người hoài nghi về năng lực của chủ đầu tư và việc Công ty Tây Hồ sẽ tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng khi thực hiện Dự án như thế nào?

Dự án đề xuất ở đâu, người dân phản đối ở đó

Có thể nói, câu chuyện người dân phản đối Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại là điều dễ hiểu. Trên thực tế, trước đó đã có rất nhiều dự án toan tính lấy đất công viên, vườn hoa để làm bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ, thế nhưng cuối cùng đã bị “vỡ trận” trước sự phản đối quyết liệt của người dân và dư luận.

Quay trở lại Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại do Công ty Tây Hồ làm chủ đầu tư. Theo tài liệu Reatimes có được, vị trí nghiên cứu Dự án tại Công viên Cầu Giấy chỉ là “phương án B” của Công ty Tây Hồ và nó được chuyển đổi từ vị trí bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Cụ thể, lý do chủ đầu tư xin chuyển đổi vị trí dự án vì không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân phường Trung Yên. Theo đó, ngày 14/6/2018, Công ty Tây Hồ có Tờ trình số 05/2018/TT-CTTH báo cáo UBND TP Hà Nội, xin phép không nghiên cứu bãi đỗ xe ngầm tại vị trí Công viên Trung Yên, với lý do địa chất không thuận lợi, kết cấu phức tạp, nền đất yếu, nếu đầu tư xây dựng phải xử lý rất phức tạp.

Đáng chú ý, có 60 hộ dân xung quanh không ủng hộ, đã gửi đơn kiến nghị do lo ngại việc đầu tư xây dựng tại đây sẽ ảnh hưởng, xáo trộn về đời sống dân cư và một số công dân đã có đơn kiến nghị không xây dựng bãi đỗ xe ngầm phía dưới Công viên Trung Hòa. Cùng với đó, Công ty Tây Hồ đã đề xuất chuyển đổi vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Trung Yên sang vị trí bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy, có địa thế ổn định và nhu cầu cấp thiết về đỗ xe cho dân cư hơn.

Một điều bất ngờ nữa phải nhắc đến, trước đó Công ty Tây Hồ đã xin đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm phía dưới công viên cây xanh trong các khu đô thị tại quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân. Sau đó, UBND Thành phố đã đồng ý về chủ trương giao Công ty Tây Hồ nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư xây dựng 5 bãi đỗ xe ngầm (trong đó có bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Trung Yên – nay được đổi vị trí tại Công viên Cầu Giấy).

Trước những tranh cãi nảy lửa việc “xẻ thịt” đất Công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại, dư luận đang trông chờ chính quyền TP. Hà Nội và Công ty Tây Hồ sẽ làm gì để xoa dịu dư luận. Đồng thời doanh nghiệp có được chấp thuận đầu tư Dự án trên và các dự án khác hay không.

Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy kết hợp dịch vụ thương mại có diện tích chiếm đất 14.500m2 với 3 tầng hầm (tầng hầm 1 làm dịch vụ thương mại; tầng hầm 2, 3 làm bãi xe). Phần nổi sẽ có khối công trình cao khoảng 9m, với diện tích 725m2.

Theo Reatimes 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN