Xem xét bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu

10:02 | 09/11/2020

DNTH: Bộ Tài chính cho rằng, việc sử dụng tờ khai nguồn gốc để chứng minh phương tiện vận tải đã được cơ quan hải quan thông quan là không cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự đồng tình của bộ, ngành có liên quan.

Xem xét bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu

Theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe (từ ngày 1/8/2020 được thay thế bởi Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020) và Thông tư số 102/2016/TT-BQP ngày 29/6/2016 của Bộ Quốc phòng ban hành quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng, khi làm thủ tục đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có nguồn gốc nhập khẩu, chủ phương tiện phải nộp cho cơ quan đăng ký chứng từ chứng minh phương tiện có nguồn gốc nhập khẩu là tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo mẫu của Bộ Tài chính.

Theo khảo sát của cơ quan hải quan, hiện nay, thời gian thực tế để thực hiện thủ tục cho một lần xác nhận tờ khai nguồn gốc (từ khi chuẩn bị hồ sơ đến khi có kết quả xác nhận), tùy theo số lượng phương tiện đăng ký trên tờ khai hải quan có thể kéo dài từ 2-5 ngày làm việc. Sau khi nhận được tờ khai nguồn gốc có xác nhận của cơ quan hải quan, doanh nghiệp giao cho bộ phận giao nhận 1 liên để chuyển đến các đại lý bán hàng và lưu trữ tại doanh nghiệp 1 liên; sau đó đại lý bán hàng giao cho khách hàng khi mua xe để làm thủ tục đăng ký phương tiện vận tải; sau đó, người mua phương tiện nộp tờ khai nguồn gốc cho cơ quan công an đăng ký phương tiện vận tải. Theo kiến nghị của doanh nghiệp, trường hợp bị mất tờ khai nguồn gốc, thủ tục để xin xác nhận lại tờ khai nguồn gốc cũng rất phức tạp, mất nhiều thời gian cho chủ phương tiện và cơ quan hải quan.

Với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đánh giá, việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Theo tính toán sơ bộ dựa trên kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp và báo cáo của cục hải quan tỉnh, thành phố, nếu bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, phía cơ quan hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công mỗi năm; các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được nhiều khoản chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, giảm bớt được nhiều nhân lực.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính dừng việc cấp, xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với xe ô tô, xe mô tô, xe hai bánh gắn máy nhập khẩu. Sử dụng tờ khai hải quan điện tử làm căn cứ để xác định phương tiện đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu. Thời điểm dừng cấp, xác nhận tờ khai nguồn gốc dự kiến từ 1/1/2021. Giao Bộ Tài chính quyết định cụ thể trên cơ sở chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thông tin, kết nối, trao đổi dữ liệu tờ khai hải quan điện tử của Tổng cục Hải quan với hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.

Bộ Tài chính cũng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính theo hướng yêu cầu người khai hải quan khai đầy đủ các chỉ tiêu thông tin của phương tiện (gồm: số khung, số máy, số chỗ ngồi, màu sơn, dung tích xi lanh, nhãn hiệu, loại phương tiện), đáp ứng yêu cầu của cơ quan đăng ký xe - Bộ Công an. Đồng thời thực hiện bãi bỏ Quyết định số 2807/QĐ-BTC ngày 11/11/2009 ban hành và quy định mẫu tờ khai nguồn gốc và chỉ đạo Tổng cục Hải quan bãi bỏ công văn số 4995/TCHQ-GSQL ngày 8/11/2001 về việc tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe hai bánh gắn máy nhập khẩu từ khi sử dụng tờ khai hải quan điện tử để thay thế cho tờ khai nguồn gốc phương tiện nhập khẩu.

Bộ Tài chính cũng đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thông tin, xây dựng hệ thống kết nối trao đổi dữ liệu giữa cơ quan đăng ký phương tiện với hệ thống thông tin của Tổng cục Hải quan thay thế cho tờ khai nguồn gốc đúng thời hạn.

Giao Bộ Quốc phòng sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 102/2016/TT-BQP ngày 29/6/2016 của Bộ Quốc Phòng quy định đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng theo hướng thay thế tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu trong bộ hồ sơ đăng ký đối với xe viện trợ bằng tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu viện trợ trong năm 2020 và có trách nhiệm kết nối để có thông tin tờ khai hải quan của các phương tiện liên quan.

Theo DNSG

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

Năm 'điểm nóng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

DNTH: Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Và sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm...

XEM THÊM TIN