Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao?

07:46 | 30/10/2018

DNTH: Thị trường biến động mạnh trong tuần qua nhưng chỉ số VN-Index vẫn chưa xuống thấp hơn mức đáy tháng 7...

Thị trường biến động mạnh trong tuần qua nhưng chỉ số VN-Index vẫn chưa xuống thấp hơn mức đáy tháng 7. Các chuyên gia vẫn không thống nhất liệu mức đáy này có giữ được hay không.

Quan điểm khá tích cực cho rằng thị trường có thể có phiên phục hồi kỹ thuật đầu tuần, có thể kiểm định lại mốc 920 điểm nhưng khả năng phục hồi thật sự vẫn không được đánh giá cao. Quan điểm thận trọng hơn cho rằng thị trường sẽ dao động trong vùng đáy cũ với mức hỗ trợ là đáy tháng 7. Thậm chí có đánh giá nguy cơ thị trường phá đáy trong tuần tới trước khi có thể phục hồi.

Kịch bản vẫn được để ngỏ là rủi ro thị trường xấu hơn nữa khi VN-Index để mất ngưỡng 890 điểm thì có thể rơi vào xu hướng giảm dài hạn.

Yếu tố hỗ trợ được xác định lúc này chủ yếu là trạng thái quá bán kỹ thuật của cổ phiếu sau nhiều tuần giảm liên tục. Các chuyên gia kỳ vọng áp lực bán sẽ nhẹ đi trong những phiên tới. Tuy vậy, yếu tố bất định của thị trường chứng khoán quốc tế cũng như sự suy giảm quá mạnh của dòng tiền sẽ là những trở ngại.

Các chuyên gia đã giảm tối đa tỷ trọng đầu cơ ngắn hạn trong danh mục và có quan điểm giống nhau là tạm thời đứng ngoài thị trường, chỉ quan sát các cơ hội mua đầu tư dài hạn.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 1.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 1.

 

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường diễn biến xấu tệ trong tuần này, nhưng vẫn có nét tương tự diễn biến cách đây 2 tuần: Đó là một phiên sụt giảm cực mạnh và kết thúc bằng lực cầu bắt đáy kéo phục hồi. Điểm khác là VN-Index đã rơi về đúng đáy cũ hồi tháng 7. Anh chị đánh giá cơ hội phục hồi lần này có chắc chắn hơn?

Ông Trần Hữu PhúcTrưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài chuỗi phiên giảm điểm trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều lao dốc. Đây là tuần VN-Index bị giảm điểm khá mạnh, mất hơn 53 điểm với thanh khoản sụt giảm mạnh, đóng cửa phiên thứ Sáu cuối tuần tại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 900 điểm.

Thanh khoản thấp ở ngưỡng hỗ trợ cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa thực sự có niềm tin vào thị trường và lực cầu bắt đáy chủ yếu xuất hiện ở những cổ phiếu đang đi vào vùng quá bán theo phân tích kỹ thuật. 

Với diễn biến thị trường hiện tại, theo chúng tôi nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi sát sao sự vận động của dòng tiền vì bối cảnh chung của thị trường tài chính quốc tế đang có những diễn biến khó lường và phức tạp.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là vùng đáy trung hạn của VN-Index quanh mốc 890 điểm. Nhiều khả năng tại hỗ trợ này sẽ được kiểm định lại một lần nữa trong những phiên giao dịch đầu tuần tới. 

Áp lực bán đã phần nào cho thấy sự suy yếu, VN-Index đã mất hơn 124 điểm từ đỉnh trong vòng 3 tuần giao dịch do đó chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ của lực cầu tại hỗ trợ 890 điểm.

Theo đó chỉ số sàn HOSE có thể sẽ tích lũy và dao động trong biên độ từ 890-930 điểm. Ngược lại, nếu ngưỡng hỗ trợ 890 điểm bị phá vỡ, một xu hướng giảm dài hạn nhiều khả năng sẽ được thiết lập.

Ông Lê Hoàng TânGiám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Đến thời điểm này thị trường đang quay về đáy cũ của tháng 7, đáng chú ý là thanh khoản thị trường tăng nhẹ hơn tuần trước. Với mặt bằng nhiều cổ phiếu đang được định giá rất rẻ so với lợi nhuận năm 2018 thì tôi cho rằng cơ hội ngắn hạn đang đến gần.

Mấu chốt ở đây nằm ở dòng tiền có quay trở lại hay không và nước ngoài ngừng bán để tạo tâm lý cho thị trường.

Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường đã có một phiên hồi phục vào ngày 25/10 tuy nhiên với việc phục hồi với khối lượng thấp chỉ đặt khoảng 163 triệu cổ phiếu thấp hơn trung bình 20 phiên đã dần đến hệ quả là phiên cuối tuần 26/10 thị trường quay đầu điều chỉnh giảm khi thử thách mốc 920 điểm không thành công.

Tôi cho rằng thị trường sẽ hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 920 điểm. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, nếu thị trường hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp thì kịch bản tăng vẫn có khả năng xảy ra và rủi ro ngắn hạn sẽ giảm đáng kể.

Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm về gần mức đáy cũ và cũng gần mức đáy trung bình, nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn cho nên khả năng đảo chiều sẽ được đánh giá cao.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 2.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 2.

 

Ông Nguyễn Nhật CườngPhó phòng Nghiên Cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Tôi đánh giá cơ hội hồi phục đối với chỉ số VN-Index là khá yếu do các chỉ báo xu hướng ngắn và trung hạn đang rất xấu trong bối cảnh biên độ giao động của thị trường ở mức cao và thanh khoản chung kém do tâm lý thận trọng của giới đầu tư về sự bất ổn vĩ mô có chiều hướng gia tăng và lo ngại chu kỳ khủng hoảng 10 năm chuẩn bị lặp lại.

Chính vì vậy mà mọi nỗ lực hồi phục sẽ nhiều khả năng khó có thể duy trì được lâu và ổn định do thị trường Việt Nam hiện đang rơi vào tình trạng "miễn nhiễm" với thông tin tích cực nhưng lại tỏ ra "vô cùng nhạy cảm" với các thông tin tiêu cực.

Tuy vậy, theo đánh giá của tôi thì tình hình sẽ không quá tiêu cực do thị trường đã tiến vào vùng quá bán nên áp lực bán sẽ mau chóng suy yếu trong tuần giao dịch tới làm thu hẹp lại đà giảm của chỉ số VN-Index.

Trong kịch bản xấu nhất, chỉ số VN-Index có nhiều khả năng sẽ giao dịch giằng co trong vùng điểm 880 - 900 điểm với biên độ giao động từ 5 - 7 điểm với thanh khoản chung toàn thị trường được duy trì mức trung bình khá.

Ông Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Mặc dù xu hướng hiện tại của thị trường đã trở nên xấu hơn khi Vn-Index phá vỡ vùng hỗ trợ 918 điểm. Chỉ số nhiều khả năng sẽ phá đáy trong tuần tới. Tuy nhiên, với việc các chỉ số và nhiều nhóm cổ phiếu đã và đang bước vào trạng thái quá bán, cá nhân tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm có nhịp hồi phục trong ngắn hạn.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Cuối cùng thì thị trường cũng khẳng định rằng kết quả kinh doanh quý 3 không có ý nghĩa nhiều. Rõ ràng là lợi nhuận của doanh nghiệp rất tốt, cổ phiếu cũng không hề được đầu cơ sớm để chiết khấu trước thông tin. Tại sao thị trường lại vô lý như vậy? Trong hai tháng tới, liệu thị trường có tìm được thông tin hỗ trợ nào khác?

Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Có thể nói tuần vừa qua cho thấy tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam rất yếu khi bị tác động rất lớn bới các thông tin tiêu cực từ thị trường chứng khoán Mỹ, và thị trường chứng khoán châu Á. Dòng tiền đứng ngoài thị trường dẫu đến lực cầu bắt đáy rất yếu dẫn đến giá các cổ phiếu đặc biệt là các nhóm ngành dẫn sóng vừa qua như dầu khí, ngân hàng bị bán tháo mạnh, rất nhiều cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn.

Do vậy, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp dù khá tích cực nhưng cũng chưa thể phản ánh ngay vào giá cổ phiếu. Trong 2 tháng cuối năm việc hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực, cũng như việc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung quốc giúp cho nhiều doanh nghiệp xuất khâu của Việt Nam hưởng lợi sẽ có tác động tịch cực đến nhóm ngành sản suất, dệt may và thủy hải sản sẽ là các thông tin tốt cho thị trường.

Ông Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Thông tin kết quả kinh doanh tích cực đã không có nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư, một phần do các thông tin này công bố vào đúng giai đoạn thị trường điều chỉnh. Mặt khác những thông tin này cũng đã phần nào được dự báo và phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu trong giai đoạn trước đó. Diễn biến điển hình ở nhóm các cổ phiếu ngân hàng, thông tin kết quả tốt giá cổ phiếu cũng không lên, nhưng kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng giá sẽ giảm mạnh.

Trong thời gian tới, thông tin kết quả kinh doanh quý 4 và khả năng hoàn thành hoặc vượt kế hoạch năm 2018 của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường, đặc biệt là trong kịch bản thị trường giảm sâu về các vùng hỗ trợ mạnh trong thời gian tới.

Ông Trần Hữu PhúcTrưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Hiện nay là thời điểm công bố kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dần được hé lộ. Kết quả được đánh giá là khả quan và có sự tăng trưởng. Tuy nhiên dường như kết quả tốt đẹp của các doanh nghiệp cũng đã không được phản ánh vào giá.

Phiên giao dịch ngày 11/10 với việc bán ra trong hoảng loạn, chỉ số VN-Index giảm hơn 4% đã bẻ gẫy xu hướng tăng của chỉ số hình thành trước đó. Sự lo ngại FED tăng lãi suất, kéo theo tỷ giá tăng, các ngân hàng trong nước cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động, kéo theo lo ngại về bước đầu thắt chặt tiền tệ đã kéo theo phản ứng bán mạnh trên thị trường.

Chỉ số VN-Index đã nằm trong sự vận động chung của thế giới. Với diễn biến phức tạp và rủi ro của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, dẫn đến những diến biến phực tạp trên thị trường tài chính vẫn là nguyên nhân dẫn đến biến động thất thường của thị trường.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 3.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 3.

 

Ông Nguyễn Nhật CườngPhó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều doanh nghiệp báo cáo con số rất ấn tượng khi tăng trưởng tốt cả về lợi nhuận và doanh thu nhưng vẫn khiến giá các cổ phiếu liên quan giảm điểm mạnh là do tâm lý nhà đầu tư lo sợ chu kỳ khủng hoảng 10 năm chuẩn bị lập lại khiến cho việc bảo toàn vốn là ưu tiên hàng đầu thay vì tìm kiếm lợi nhuận. Do đó phần lớn nhà đầu tư nhân cơ hội các doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 mà thoát hàng và lựa chọn phương án đứng ngoài thị trường.

Dựa trên tình hình thị trường hiện tại thì tôi không lạc quan lắm với diễn biến của chỉ số VN-Index trong hai tháng cuối năm 2018. Tôi cũng không nghĩ rằng thị trường có thể dựa vào được thông tin hỗ trợ nào khác hơn việc nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang ổn định và kết quả kinh doanh quý 4 khả quan của các doanh nghiệp – hai yếu tố mà dường như đang mất dần tác động tích cực tới diễn biến chung của thị trường.

Ông Lê Hoàng TânGiám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thị trường hiện tại đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là tính không ổn định của thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc nên nhà đầu tư đang rất thận trọng và nước ngoài bán ròng liên tục ảnh hưởng đến tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước.

Trong thời gian tới tôi cho rằng định giá doanh ngiệp tốt đang ở mức thấp và nền tảng vĩ mô tốt của Việt Nam sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Dù sao kết quả kinh doanh quý 3 cũng vẫn là yếu tố quan trọng giúp định giá cổ phiếu từ góc độ cơ bản. Hầu hết doanh nghiệp đã công bố lợi nhuận, anh chị có thể đưa ra đánh giá tổng quát về mặt bằng kết quả kinh doanh tới quy 3 và liệu giá cổ phiếu hiện tại có "rẻ" hay không?

Ông Lê Hoàng TânGiám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo thông kê thì đã có 449 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 9 tháng 2018 trong đó 86% doanh nghiệp báo lãi. Tổng lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2018 của 449 doanh nghiệp đạt hơn 70 nghìn tỷ VND, tăng trưởng 31,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 82 % kế hoạch năm 2018. EPS trượt 4 quý là 2558 VND (tăng 30.9% so với cùng kỳ năm 2017), PE trung bình đang là 11,7 lần.

Nhìn vào số liệu chúng ta có thể thấy số lượng doanh nghiệp báo lãi đang áp đảo và đang được ở mức P/E rất hấp dẫn. Tuy nhiên cần lưu ý là có vài dấu hiệu cần chú ý là nợ xấu ngân hàng đang tăng lên và nhiều doanh nghiệp mặc dù có doanh thu tăng trưởng nhưng tốc độ tăng chi phí cao hơn làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp do đó chúng tôi cho rằng nên đọc kỹ các báo cáo tài chính của doanh nghiệp trước khi quyết định giải ngân.

Ông Nguyễn Nhật CườngPhó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Kết quả kinh doanh quý 3 của phần lớn các doanh nghiệp nhìn chung là rất khả quan với nhứng con số tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lợi nhuận. Các đại diện tiêu biểu đáng chú ý là nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, dệt may, thủy sản, …

Tuy nhiên, do tác động tiêu cực từ các yếu tố vĩ mô bên ngoài mà phần lớn mặt bằng chung các cổ phiếu đã bị chiết khấu rất mạnh. Tuy mức P/E chung của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn cao hơn so với nhiều nước khác trong khu vực nhưng tôi đánh giá mức giá hiện tại là đủ hấp dẫn để có thể bắt đầu giải ngân.  

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 4.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 4.

 

Ông Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tính đến hết ngày 24/10/2018, đã có 449 doanh nghiệp niêm yết trên HSX, HNX và Upcom công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, trong đó có 388 doanh nghiệp báo lãi, chiếm 86%. Lợi nhuận sau thuế của 449 doanh nghiệp này đạt 70.315 tỷ đồng, tăng 31,1% so với mức 56.615 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2017, tăng khoảng 27% trong quý III.  Trong đó, những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng đột biến nhất là AMV (8509%), SRA (4476%), SMA (4220%),…

Đã có 69 doanh nghiệp trong số 449 doanh nghiệp này hoàn thành kế hoạch năm, nổi bật gồm GAS (138,1%), VHC (167,1%), DPM (148,4%), PHR (121,9%)… Theo ngành, các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như dầu khí, bất động sản hay ngân hàng đều có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, lần lượt là 70,1%, 50,5% và 48%.

Hiện tại, P/E của thị trường đang nằm trong khoảng 15-16 lần, giảm mạnh so với thời điểm Vn-Index đạt đỉnh 1200 điểm. Mặc dù vậy, tôi cũng lưu ý rằng, kỳ vọng của thị trường đã được phản ánh trước khiến cho giá cổ phiếu tăng mạnh giai đoạn trước. Vì vậy, dù mặt bằng P/E của thị trường đã giảm mạnh nhưng có lẽ cũng không còn nhiều cổ phiếu rẻ.

Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo thống kê của tôi, tính tới ngày 24/10/2018, đã có 449 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 9 tháng 2018 trong đó 86% doanh nghiệp báo lãi. Tổng lợi nhuận ròng 9T2018 của 449 Doanh nghiệp đạt hơn 70 nghìn tỷ VND, tăng trưởng 31,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 82 % kế hoạch năm 2018. EPS trượt 4 quý là 2558 VND (tăng 30.9% so với cùng kỳ năm 2017), PE trung bình đang là 11,7.

Top những doanh nghiệp tăng trưởng đột biến trong 9 tháng năm 2018 gồm AMV (9.370%), SRA (4.477%), SMA (3.483%), MBS (822%), VHC (152,1%), ACB (147%), VIB (175%). 69 Doanh nghiệp (20%) đã hoàn thành kế hoạch 2018 mới chỉ sau 9 tháng đầu năm, nổi bât có AAM (227%), GAS (128%), VHC (167%), DPM (148,3%).

Theo ngành, dầu khí, thực phẩm và đồ uống, ngân hàng, dịch vụ tài chính và bất động sản là những ngành có tăng trưởng cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 mặc dù có dấu hiệu chậm hơn so với quý trước. Ngân hàng luôn là ngành dẫn dắt thị trường, đã có 11 ngân hàng niêm yết công bố số liệu chính thức với kết quả khả quan, với tổng lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng trưởng 49% so với cùng kỳ.

Với mức PE trung bình hiện tại đang là 11,7 thì có thể nói thị trường Việt Nam đang được định giá khá rẻ so với khu vực.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Giao dịch đầu cơ ngắn hạn, bắt đáy tuần qua hầu hết là thua lỗ. Anh chị xử lý tình huống này như thế nào? Danh mục có thay đổi tỷ trọng hay không?

Ông Trần Hữu PhúcTrưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Vn-Index tăng giảm xe kẽ nhưng vận động chủ yếu trong xu hướng giảm giá. Thanh khoản giảm sút. Chúng tôi hoàn toàn đứng ngoài thị trường, không tham gia bắt đáy, chờ đợi Vn-Index tích lũy đi ngang để nhìn nhận cơ hội rõ ràng hơn.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 5.

Xu thế dòng tiền: Nguy cơ thủng đáy có cao? - Ảnh 5.

 

Ông Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi đã bán giảm tỷ trọng danh mục tổng của mình về mức 20% cổ phiếu sau khi nhận thấy xu hướng của thị trường có dấu hiệu xấu đi và có khả năng tiếp tục giảm mạnh trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Việt QuangGiám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tỷ trọng danh mục ngắn hạn của tôi là 14% cổ phiếu và 86% tiền mặt. Tỷ trọng danh mục đầu tư  trung hạn tôi giữ ở mức 54% cổ phiếu và 46% tiền mặt.

Tôi tập trung cơ cấu danh mục đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp hồi phục để đưa tỷ lệ margin về mức an toàn và hạn chế bán tháo ở nhịp giảm. Đồng thời, trên quan điểm thận trọng, tôi tiếp tục đứng ngoài không mở vị thế mua mới cho đến khi xu hướng tăng được xác nhận.

Ông Nguyễn Nhật CườngPhó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Tôi đã chủ động hạ tỷ trọng danh mục cho các hoạt động giao dịch ngắn hạn xuống 0% từ tuần trước đó và vẫn đồng thời duy trì danh mục đầu tư dài hạn trong khoảng 30% - 45% với trọng tâm tập trung nắm giữ các cổ phiếu có tiềm năng cơ bản tốt và nhóm cổ phiếu ngành nghề được hưởng lợi nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Ông Lê Hoàng TânGiám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Với quan điểm đầu tư, chúng tôi vẫn bảo lưu thị trường giảm điểm là cơ hội để gom dần các cổ phiếu tôt như ngân hàng (MBB), chứng khoán (MBS, CTS), năng lượng (REE), vật liệu xây dựng (VGC, CVT)

Chúng tôi vẫn giữ tỷ trọng 50% cổ phiếu cơ bản tốt, giao dịch đầu cơ ngắn hạn chúng tôi sẽ quan sát dòng tiền để giải ngân, ưu tiên trên các cổ phiếu có sẵn trên danh mục để trade giảm giá vốn. 

Nguyễn Hoàng/ Vneconomy

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo khu vực về hệ thống lương thực, thực phẩm thích ứng với biến đổi khí...

DNTH: Ngày 5/12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân Châu Á vì sự phát triển nông thôn bền vững (AFA) tổ chức Hội thảo khu vực chương trình APFP- FO4A về hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững thích ứng với...

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

XEM THÊM TIN