Theo đơn kêu cứu của anh Hoàng Tuấn Tú, con trai bà Lê Thị Tâm, trú tại tổ 19, phường Đồng Tiến, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; về việc năm 2011 mẹ anh là bà Lê Thị Tâm, cho bà Trương Thị Luận mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN-QSDĐ) số U-068514, tại địa chỉ tổ 3, phường Đồng Tiến, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, để thế chấp vay tiền cho cá nhân bà Luận tại Quỹ tín dụng Nhân dân phường Đồng Tiến. Tuy nhiên đến năm 2013 gia đình bà Tâm được biết: Bà Trương Thị Luận đã mang GCN-QSDĐ của gia đình bà Tâm, cầm cố cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (Ngân hàng NN&PTNT Kỳ Sơn), để vay vốn cho Công ty TNHH TM Tổng hợp Trịnh Luận (Cty Trịnh Luận), do bà Trương Thị Luận làm Giám đốc.
Anh Hoàng Anh Tuấn, con trai cả bà Tâm khẳng định: Tôi chưa bao giờ ký bất cứ giấy tờ nào liên quan tới việc cầm cố, vay vốn của Công ty Trịnh Luận, hay ký hồ sơ để thế chấp GCN-QSDĐ của nhà tôi cho bất kỳ Công ty nào. Chữ ký trên hồ sơ ngân hàng là hoàn toàn giả mạo, mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc để lấy lại công bằng giúp gia đình chúng tôi.
Cũng theo lời anh Tú: Thời điểm đó, mẹ tôi đang nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh Hòa Bình, lợi dụng tình cảm thân thiết với mẹ tôi cũng như sự không tỉnh táo khi đang trị bệnh, bà Luận đã nhờ mẹ tôi ký những giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, các thành viên khác trong gia đình thì không hề thấy bà Luận đưa hồ sơ để ký. Hơn nữa hộ khẩu của gia đình tôi tại tổ 19 phường Đồng Tiến chứ không phải như hồ sơ thế chấp, vay vốn đã ghi hộ khẩu gia đình ở tổ 3 phường Đồng Tiến.
Để tìm hiểu thông tin Phóng viên đã đến làm việc với Phòng công chứng số 1 nơi công chứng mọi giấy tờ liên quan đến việc vay vốn của công ty Trịnh Luận. Tại hợp đồng thế chấp số 201103081./HĐTC, ký ngày 08/03/2011, do phòng Công chứng số 1 cung cấp bản sao; hợp đồng gồm 07 trang chính và 01 trang lời chứng của công chứng viên (có đóng dấu treo của phòng công chứng số 1 trên từng trang hợp đồng) cho thấy: Các trang hợp đồng hoàn toàn không có chữ ký của các bên liên quan trên hợp đồng công chứng (ngoại trừ 04 trang có chữ ký nháy của công chứng viên Nguyên Tuấn Long trong tổng số 07 trang của hợp đồng). Tại trang Lời chứng của công chứng viên còn ghi rõ: Hợp đồng gồm 02 tờ, 04 trang.
Theo mục 6 điều 35, Luật công chứng số 82/2006/QH11, có hiệu lực từ ngày 01/07/2007, quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn, ghi rõ: Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
Tại mục 3, điều 36, Luật công chứng số 82/2006/QH11, quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, ghi rõ: Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
Hàng loạt các câu hỏi đặt ra là vì sao hợp đồng thế chấp mà phòng Công chứng số 1 tỉnh Hòa Bình cung cấp bản sao lại có tới 07 trang nhưng chỉ có 04 trang có chữ ký nháy của công chứng viên Nguyễn Tuấn Long?
Tại trang Lời chứng của công chứng viên (đính kèm hợp đồng)ghi rõ: Hợp đồng này được lập thành 03 bản chính, mỗi bản chính gồm 02 tờ, 04 trang. Vì sao hiện nay hợp đồng lại có tới 07 trang?
Vì sao các bên không được ký vào các trang của hợp đồng?
Từ những dấu hiệu trên, chủ tài sản đang rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét thấu đáo vấn đề để, mang lại sự công bằng cho các bên.
Sau khi yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện chưng cầu giám định chữ ký, cũng như có câu trả lời từ Ngân hàng AgriBank, chi nhánh huyện Kỳ Sơn, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý bạn đọc.
Vũ Chiến – Duy Luân
Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc...