CA SỸ HOÀNG TÙNG – SAO MAI : Tết, bâng khuâng cùng “Anh đến thăm em đêm Ba mươi”

09:00 | 07/02/2018

DNTH: DN&TH; 15 năm trước, cái tên xa lạ Hoàng Tùng chợt bừng sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam với danh hiệu Sao Mai 2003. Kể từ đó đến nay, cuộc đời của nam ca sỹ thầm lặng này trải qua biết bao thăng trầm: 10 năm gánh nỗi oan “mua giải”, đối diện ngưỡng cận tử khi hạnh phúc mới chớm nở… Nhưng “chàng thợ lò, sinh ra trên đất Mỏ” này vẫn kiên cường vượt qua giông tố, để đằm mình vào nghệ thuật để tìm được những giá trị vàng son của dòng nhạc trữ tình, và được anh da diết khắc họa trong nhạc phẩm “Khúc Xưa” như một món quà Tết dành cho người hâm mộ…

Ca sỹ Hoàng Tùng Chúc Tết độc giả Tạp Chí Doanh Nghiệp và Thương Hiệu

QUÁN KARAOKE NUÔI DƯỠNG MỘT SAO MAI

- DN&TH: Chào Hoàng Tùng, anh là một Sao Mai hay là một ngôi sao đã già?

+ Hoàng Tùng: Ngôi sao già là ngôi sao đã tắt đi thứ ánh sáng tự thân. Còn tôi, vẫn còn muốn cháy lắm, còn nhiều ngưỡng nghệ thuật muốn được khám phá. Thế nên, tôi chưa già nhưng cũng không còn “mai” như ngôi sao buổi sớm năm nào nữa.

- Kỷ niệm nào trong đời âm nhạc của mình khiến anh nhớ nhất?

+ Đó chính là sự kiện “Sao Mai” của đài truyền hình Việt Nam. Sự kiện này đã thay đổi cuộc đời tôi. Nếu như không có giải thưởng Sao Mai năm 2003, có lẽ định mệnh đã đẩy tôi đi theo một hướng đi khác. Nhưng nhờ sân khấu Sao Mai, mà có một Hoàng Tùng như ngày nay.

- Nguyên do nào đưa anh đến với Sao Mai nhỉ, 15 năm đã trôi qua, chắc chắn nhiều khán giả âm  nhạc và độc giả của tạp chí Doanh Nghiệp & Thương Hiệu muốn được anh ôn lại?

+ Đó là một cơ duyên. Tôi và Sao Mai bén duyên khá sớm, còn trước cả thành công năm 2003. Hai năm trước đó, năm 2001, khi đang là sinh viên của trường Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Ninh, tôi cũng từng dự thi Sao Mai. Nhưng do khả năng của mình lúc đó còn non và duyên chưa đậm nên chỉ vào được vòng chung kết toàn quốc tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng trong năm đó, tôi thi đỗ vào hệ Trung cấp của Nhạc viện Hà Nội.

Đến năm 2003, khi VCK Sao Mai được tổ chức tại Quảng Ninh, tôi lại dự thi Sao Mai, cùng những người con đất Mỏ khác như Tuấn Anh, Hoàng Phúc… đầu quân cho đội Quảng Ninh. Tôi lần lượt vượt qua các vòng chung kết ở địa phương, miền Bắc, toàn quốc

 và lọt vào đêm chung kết.

Năm đó, chữ Duyên của tôi và Sao Mai đã bén nên giành giải Nhất, còn người đồng đội Tuấn Anh nhận giải Khuyến khích. Phải đến Sao Mai 2005, Tuấn Anh mới được tôn vinh tại sân khấu âm nhạc này.

- Tại sao anh lại chọn ca khúc “Tôi là người thợ lò” của nhạc sỹ Hoàng Vân để thể hiện trong đêm chung kết?

+ Câu hỏi này tôi đã gặp rất nhiều (Cười). Rất đơn giản, vì tôi là con dân của Vùng Mỏ mà. Ca khúc này rất hay, tuy viết về ngành than nhưng tôi cảm nhận đó là một thiên trường ca của đất nước và của giới công nhân. Ngay từ nhỏ, tôi đã quen thuộc với giai điệu của bài hát, bởi đó là nhạc hiệu của đài phát thanh - truyền hình tỉnh Quảng Ninh.

- Anh có hài lòng với màn trình diễn đó của mình không?

+ Hồi xưa thì có, nhưng bây giờ nếu được làm lại tôi sẽ hát tốt hơn. 15 năm trước, ca khúc “Tôi là người thợ lò” được tôi trình diễn với âm điệu hào hùng nhưng thiếu đi tính thính phòng. Bây giờ, nếu hát lại, tôi sẽ đẩy tính thính phòng của ca khúc này cao hơn nữa. Sở dĩ có sự thay đổi này là bởi khi đó tôi mới chỉ là một thanh niên, chưa có nền tảng cơ bản sâu về thanh nhạc. Còn bây giờ, với hàng nghìn ca khúc đã được thu âm, tôi có cách nhìn khác về ca khúc, chín chắn hơn và trưởng thành hơn.

- Anh nói anh là “con dân đất Mỏ”, vậy anh từng vào mỏ bao giờ chưa?

+ Nếu vào mỏ than chính thống thì tôi chưa từng được vào, nhưng tôi cũng đã vài lần dại dột mò vào những lò than thổ phỉ để… chơi. Thật là dại dột bởi những lò than thổ phỉ ẩn chứa rất nhiều mối nguy. May mà không làm sao. Tuy nhiên tôi cũng có một cơ duyên là đã từng tham gia một vai quần chúng trong một bộ phim về công nhân mỏ thời kỳ hoạt động cách mạng. Tôi mặc quần áo thợ mỏ, ăn cơm thợ mỏ và cũng hoà vào không khí đấu tranh cách mạng của thợ mỏ thời kỳ Pháp thuộc. Sau này, album vo1 Hoàng Tùng – quê hương và tình yêu cũng hầu hết là các bài hát về vùng mỏ. Thậm chí trong ca khúc Những ngôi sao ca đêm có sự tham gia diễn xuất của hàng trăm công nhân mỏ để vẽ nên một bức tranh thật đẹp về vùng than, về những người thợ mỏ.

- Con đường nào đưa anh đến với âm nhạc? Có phải truyền thống gia đình không?

+ Không hề. Bố mẹ tôi là công nhân, chẳng liên quan gì đến âm nhạc hay nghệ thuật cả. Tuy nhiên mẹ tôi lại là người có giọng hát chèo hay nổi tiếng của công ty mẹ tôi công tác lúc đó. Hồi xưa, nhà tôi có mở quán Karaoke và tôi thường phải trông quán, mở băng video phục vụ khách đến hát. Những khi vắng khách, tôi thường mở băng để hát, đủ thể loại, từ Mưa Bụi đến nhạc vàng, rồi cả nhạc đỏ. Nhạc nào cũng hát tất. Và được khách khen là hát hay.

Sau đó đến năm lớp 12, trường tôi có tổ chức thi âm nhạc. Tôi liền xung phong dự thi, nào ngờ ở vòng sơ khảo, sau khi nghe tôi biểu diễn, các thầy cô liền đặc cách cho vào chung kết luôn, rồi đoạt giải Nhất. Sau đó, nhiều người khuyên tôi nên đi vào ngành âm nhạc. Tốt nghiệp cấp ba, tôi vào học tại trường VH-NT tỉnh với dự định sau này làm giáo viên âm nhạc. Rồi sau Sao Mai 2001, tôi lên Hà Nội thi vào hệ Trung cấp Nhạc viện và sau 2 năm thì nhảy cóc lên hệ Đại học.

Thời điểm tôi thi vào hệ Đại học Nhạc viện cũng trùng với thời điểm thi Sao Mai 2003. Tôi cứ phải đi lại giữa Nhạc viện và Đài truyền hình ở Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) để thi. May mắn làm sao, năm đó tôi đều thành công ở 2 cuộc thi của mình.

 

NỖI OAN MUA GIẢI VÀ BIẾN CỐ CẬN TỬ

- Sau Sao Mai 2003, anh gần như biệt tăm khỏi đời sống âm nhạc Việt Nam, khác hẳn các Sao Mai khác. Vì sao vậy?

- Tôi vẫn ca hát chứ, tham gia nhiều chương trình truyền hình trực tiếp và hát các sự kiện nhưng thật sự lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm nhiều, cũng không biết bộc bạch bản thân mình trước đám đông. Khi đó tôi bị sốc ghê gớm, bởi một số bài báo mang tính tiêu cực nhằm vào tôi. Ở một vòng chung kết gồm có những gương mặt sáng giá như Khánh Linh, Ngọc Khuê, Tuấn Anh mà tôi lại được giải Nhất thì dư luận xôn xao lắm. Báo chí viết rằng, tôi được giải vì “bố tôi làm to”, vì “Quảng Ninh là chủ nhà” và cả vì “Ông Tuyển mua giải cho tôi nữa ” (Ông Đào Hồng Tuyển – Chúa đảo Tuần Châu – NV).

Nhưng thực tế, bố tôi là công nhân lái xe, nhà tôi rất nghèo, ngay cả trang phục đi thi cũng rất tuềnh toàng, giản dị thì lấy đâu ra tiền mua giải. Trước sức ép đó, tôi chọn cách im lặng và chú tâm vào việc học hành. Tôi vốn biết mình không có căn bản tốt như các bạn đồng khóa nên càng phải lao vào học tập để bù đắp chỗ yếu. Hàng ngày, lên giảng đường về, tôi phải tranh thủ ăn trưa thật nhanh để lên lên phòng tập giành chỗ tập đàn, tập xướng âm.

Việc học hành ở Nhạc viện lại rất nghiêm khắc, chỉ cần bỏ 3 tiết mỗi môn là bị thi lại rồi. Thêm vào đó, vì vừa được đính mác “Sao Mai”, nên tôi được các thày cô và bạn học soi rất kỹ, đâu dám lơ là việc học để đi chạy sô. Sự biến mất của tôi là vì lý do đó. Cũng may mà, nhờ điều này mà tôi tốt nghiệp Nhạc viện thuộc diện xuất sắc.

- Đấy có lẽ là biến cố lớn nhất của anh đấy nhỉ? Scandal “mua giải ấy”?

- Không, mặc dù tôi rất buồn vì nỗi oan ức này, nhưng đấy chưa phải là điều kinh khủng nhất. Anh đã bao giờ nghĩ đến lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu mình bằng một sợi tơ mảnh chưa?

- Anh có thể chia sẻ điều này được không?

- Đó là năm 2008, khi tôi vừa lập gia đình và chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Đột nhiên, thời điểm đó tôi rất hay bị đau đầu và buồn nôn mà không tìm ra nguyên nhân. Theo lời khuyên, tôi đi chụp cắt lớp vùng đầu và phát hiện một khối u trong não. Theo chẩn đoán của bác sĩ, tôi chỉ có thể sống tối đa 5 năm nữa.

Lúc đó, trong tôi hoàn toàn sụp đổ và trống rỗng. Sự nghiệp tại Đài phát thanh Việt Nam vừa mới rộng mở. Vợ vừa cưới và đang mang bầu. Tôi chưa báo hiếu được gì cho bố mẹ và những người thầy đáng kính. Thế mà tôi chỉ còn sống được 5 năm nữa.

Sau cơn hoảng loạn là trầm tư. Vợ con mình rồi sẽ ra sao, ai sẽ gánh vác gia đình nếu điều tồi tệ nhất xảy ra. Tôi thương thân mình đen bạc một, tôi thương vợ con và bố mẹ mười. Nhưng ông Trời lại thương tôi anh ạ. Khi đó, bệnh viện Bạch Mai có công nghệ y học tiến bộ mới dành cho chứng u não. Tôi đến đó điều trị và may thay bệnh dần thuyên giảm. Từ đó đến nay đã hơn 5 năm, nhưng tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn cất cao tiếng hát trên sóng truyền thanh và sân khấu.

- Khi đó, chỗ dựa lớn nhất của anh là gì?

- Gia đình. Đấy chính là điểm tựa vững chãi nhất. Người vợ tấm mẳn của tôi, cùng bố mẹ hai bên luôn động viên và có mặt khi tôi cần nhất, lúc yếu lòng nhất. Đấy cũng là phương thuốc thần giúp tôi chiến thắng bệnh tật.

- Vợ anh có cùng nghề với anh không?

- Còn hơn cả cùng nghề ấy chứ. Một người bạn đời, bạn nghề đúng nghĩa. Tôi quen cô ấy khi cả hai cùng học tại trường Văn hoá nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, cùng dự thi Liên hoan tiếng hát tỉnh Quảng Ninh. Cô ấy được giải Nhất, còn tôi được giải lìu tìu. Sau khi cưới nhau, cô ấy làm biên tập viên âm nhạc của đài Truyền hình Việt Nam.

TẾT LÀ DỊP TẾT CHA, TẾT MẸ VÀ TẾT THÀY

- Ngoài gia đình của mình, anh còn mang ơn của ai trong cuộc đời mình nữa hay không?

- Có chứ. Một cánh chim én đâu thể làm nên mùa xuân. Bố mẹ, vợ con là chỗ dựa tinh thần vững chãi rồi. Nhưng để có được sự nghiệp như ngày hôm nay, tôi còn phải mang ơn ba người thày. Phải nói là ơn suốt đời!

Người thày thứ nhất là thày Quốc Hưng (hiện là chủ nhiệm khoa Thanh Nhạc - Nhạc viện). Nếu không có thày Quốc Hưng thì sẽ không có Hoàng Tùng Sao Mai đâu. Hồi đó, thày Quốc Hưng xuống Quảng Ninh để dạy ở trường VH-NT. Sau khi nghe tôi hát, thày khuyên tôi nên bỏ trường để thi vào Nhạc viện. Tôi nghe lời thầy và đã đỗ vào thánh đường nghệ thuật này.

Người thứ hai là thày Quang Thọ. Thày không những nghiêm khắc chỉ bảo tôi trong suốt quá trình học tập mà còn bỏ công sức rèn giũa tôi tập bài “Tôi là người thợ lò” tại Sao Mai 2003. Hồi đó, thày bắt tôi sang nhà, tập luyện đêm ngày.

Tôi hát, thày thu âm rồi cho nghe lại, chỉ ra những điểm yếu và cách khắc phục. Vợ thày thì chăm lo từng miếng cơm, ngụm nước cho hai thày trò. Có lần tôi biểu diễn trên sân khấu xong, thày Quang Thọ bước đến ôm chầm lấy tôi. Tôi cảm động rưng rưng suýt khóc. Thầy chính là người thắp lên cho tôi những đam mê bùng cháy nhất với âm nhạc và cũng là người mà tôi hâm mộ, là hình tượng mà tôi luôn muốn hướng đến trong cuộc đời: Một người nghệ sĩ, một người thầy giáo tuyệt vời.

Người thày thứ ba mà tôi vô cùng biết ơn là thày Thanh Vân dậy môn ký xướng âm. Thày vô cùng tâm lý và nhiệt thành với sinh viên. Không chỉ giúp đỡ chúng tôi mọi thứ cần thiết, thày Thanh Vân còn lo lắng, chăm sóc cho cả vợ chồng, con cái của các học trò nữa.

- Ngày Tết, anh có thường đến thăm các thày giáo cũ không?

- Vẫn biết rằng, “Mồng Một tết Cha, mồng Ba tết Thày”, nhưng đâu phải tết nhất mới đến thăm hỏi nhỉ. Cứ hễ có thời gian là vợ chồng con cái tôi lại đến thăm hỏi sức khỏe các thày. Những dịp lễ tết lại càng không thể thiếu được. Tôi giờ đây vẫn chỉ là cậu sinh viên nhỏ của các thày, luôn luôn kính trọng và cầu mong các thày được mạnh khỏe, sống lâu để được thăm hỏi lâu dài. Đạo nghĩa Thày Trò ở nước mình là lớn lắm. Càng trưởng thành, tôi càng thấm thía câu răn dạy: “Không thày, đố mày làm nên”.

 

“KHÚC XƯA” VÀ NIỀM ĐAM MÊ NHẠC TRỮ TÌNH

- Thành danh bởi một ca khúc nhạc Cách mạng, nhưng bây giờ anh lại chuyển sang niềm đam mê nhạc trữ tình xưa? Anh có thể lý giải nguyên nhân không?

- Đời người là tập hợp của một chuỗi những sự thay đổi mà. Khi còn trai trẻ, tôi thích hát những ca khúc hùng tráng. Còn bây giờ, tôi lại tìm kiếm những giá trị vàng son của những ca khúc xưa cũ do các tác giả trong miền Nam sáng tác. Những ca khúc đó chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều câu chuyện mà phải trải qua nhiều thăng trầm mới có thể thấu cảm được.

Tôi rất mê những ca khúc của Phạm Duy, Vũ Thành An, Anh Bằng, Phạm Đình Chương… Nhạc xưa đẹp đẽ cả về giai điệu và ca từ. Đấy chính là chất men tinh túy của tâm hồn, vốn không bị hủy hoại bởi thời gian mà càng để lâu, càng trở nên quý giá.

- Có phải chính vì thế mà anh ra album “Khúc Xưa” đúng dịp Tết Mậu Tuất này?

- Việc “Khúc Xưa” ra mắt thính giả vào đúng dịp Tết nguyên đán cũng là vì cơ may. Khi tiến hành thực hiện album này, tôi gặp quá nhiều cản trở. Lúc sắp thu âm thì bị ốm, ngạt mũi nên không hát được. Rồi còn rất nhiều trở ngại không tên khác. Nhưng may mắn thay, tôi đã tìm được sự trợ giúp của nhạc sỹ Phạm Duy Cường (con trai cố nhạc sỹ Phạm Duy – NV), người phối khí tuyệt vời cho các ca khúc nhạc xưa. Bên cạnh đó, nhạc sỹ Võ Thiện Thanh và Audio Space cũng nỗ lực hết sức trong khâu thu thanh và phát hành. Tất cả đã góp phần mang lại một nhạc phẩm hoàn hảo.

- “Khúc Xưa” có gì mới mẻ và tiêu biểu không nhỉ?

- Những khúc hát nhạc xưa thì đâu có gì mới mẻ, bởi giá trị nguyên bản của những ca khúc này nằm ở tính “nguyên vẹn”. Sự mới mẻ nếu có là được trình bày bằng giọng hát của tôi hay sự xuất hiện của ca khúc “Kỳ Diệu” nhạc của Anh Bằng thơ Nguyên Sa, mà tôi là người đầu tiên xin được cấp phép thành công, phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.

- Tâm nguyện của anh trong “Khúc Xưa” là gì?

- Với một nghệ sỹ, được làm điều mình đam mê là tâm nguyện lớn nhất. Album này đã thỏa mãn được đam mê nhạc xưa của tôi. Sau đó, tôi muốn chia sẻ giá trị của dòng nhạc này với khán giả miền Bắc, những người có thể còn đánh đồng nhạc xưa với nhạc vàng hay bolero.

Tôi hy vọng rằng, khán giả sẽ tìm thấy chân giá trị của dòng nhạc hướng tới Chân – Thiện – Mỹ này qua album “Khúc Xưa”. Đó chính là lời chúc Tết của tôi muốn dành cho mọi người yêu mến mình. Một lời chúc Tết trang nhã, đẹp đẽ như ca từ của bài “Em đến thăm anh đêm Ba Mươi”, với tâm trạng xao xuyến vừa chờ mong, chen lẫn bâng khuâng.

- Xin chúc anh thành công với niềm đam mê của mình!

- Cám ơn Doanh Nghiệp & Thương Hiệu. Nhân đây, Hoàng Tùng cũng xin chúc quý vị độc giả một năm mới an lạc và hạnh phúc!

 

   Ca sỹ Hoàng Tùng thể hiện ca khúc: Anh đến thăm em đêm 30.

 https://www.youtube.com/watch?v=aXnhcth1PMk

HẢI AN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN