Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp

15:25 | 05/10/2020

DNTH: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi hẳn bản chất của quá trình sản xuất nông nghiệp nói riêng và những quan hệ chủ đạo trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp

Thứ nhất là vấn đề thương mại trực tuyến:

Đây là quan hệ cốt lõi của cơ chế thị trường. Trong quá trình tiến hóa kinh tế, hoạt động thương mại bắt đầu từ cấp trao đổi nhỏ trong phạm vi địa phương vươn lên buôn bán bán quốc gia và quốc tế. Quá trình này phải vượt qua thách thức chính là sự hiểu biết tin cậy và ràng buộc lẫn nhau giữa các đối tác. Khi phạm vi thương mại mở rộng đến mức không thể trực tiếp nắm bắt được thông tin để xác định độ tin cậy của bạn hàng thì các bên giao dịch mua bán phải hình thành các tổ chức trung gian làm môi giới, giám sát, xử lý, quản lý các hoạt động thương mại. Hoạt động kinh doanh vượt ra ngoài biên giới thì cơ chế quản lý, giám sát để thi hành các cam kết thương mại được chuyển giao cho các nhà nước thông qua các hiệp định và hệ thống trọng tài quốc tế. Phạm vi giao dịch càng rộng thì chi phí giao dịch càng tăng và và các hình thức tổ chức giám định càng trở nên phức tạp.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên đảo ngược tất cả xu hướng trên. Bằng các công cụ thông tin sẵn có, các bên giao dịch có thể nắm bắt được thông tin của nhau gần như trực tiếp và nhiều chiều, cải thiện hẳn mức độ tin cậy và nhờ đó đẩy mạnh hiệu quả các hình thức giám sát, xử lý vi phạm. Kết quả là hiệu quả hoạt động thương mại tăng vọt, chi phí giao dịch giảm đi, tạo nên  một cuộc cách mạng thúc đẩy cơ chế thị trường bước lên giai đoạn phát triển cao hơn.

Thứ hai là hoạt động sản xuất chuyên môn hóa.

Các khâu sản xuất chuyên môn hóa và phân công kinh tế là đặc điểm tất yếu khi sản xuất nhỏ chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn. Quá trình này diễn ra một cách cách mạnh mẽ trên quy mô rộng khi phân công kinh tế vượt đến quy mô quốc gia và vươn lên quy mô toàn cầu. Các công đoạn sản xuất kết nối với nhau, trải rộng về địa lý, tùy theo lợi thế của từng địa phương và từng quốc gia. Vì thế, việc điều hành, phối hợp sản xuất, kết nối các khâu riêng rẽ thành các chuỗi giá trị liên tục là công việc quản lý rất phức tạp và tốn kém, chịu nhiều tác động của các rủi ro, biến động và khác biệt về chính trị, tự nhiên, kinh tế,… Tính chất này phân chia các tổ chức sản xuất thành các thứ hạng rất khác nhau về năng lực quản lý và khả năng tổ chức các hệ thống sản xuất.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trang bị cho các nhà quản lý những công cụ vụ hết sức thuận tiện và giá rẻ để giám sát, điều hành, phối hợp gần như tức thời tất cả các đối tượng tham gia vào các khâu khác nhau trong quá trình sản xuất. Việc này được thực hiện một cách hiệu quả và hợp lý nhất, không có độ trễ và khoảng cách của các hợp đồng, các biên bản giao nhận, các đánh giá tiêu chuẩn,… Đây là một cuộc cách mạng trong bố trí và vận hành các dây chuyền sản xuất, tạo ra bước nhảy vọt lớn về năng suất và hiệu quả lao động chung.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp

Thứ ba là công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp. 

Sản xuất nông nghiệp có đối tượng là các thực thể sinh vật rất đa dạng, hoạt động sản xuất lại diễn ra trong môi trường mở, chịu tác động của rất nhiều yếu tố tự nhiên và thời tiết, khí hậu, nằm ngoài khả năng quản lý và khống chế của con người. Thêm vào đó là các rủi ro của thị trường, chính sách, thời tiết, dịch bệnh,… càng làm cho sản xuất nông nghiệp càng khó đoán định và điều hành, khác hẳn với các quy trình rõ ràng và chính xác trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra một hệ thống các công cụ để theo dõi, giám sát tất cả các chỉ tiêu sinh học của đối tượng cây trồng, vật nuôi cũng như của môi trường sản xuất, đồng thời tự động tập hợp, phân tích các số liệu này thành các thông tin trực tiếp hỗ trợ ra quyết định hoặc chuyển thẳng cho máy móc xử lý kịp thời hoặc tạo điều kiện để người quản lý  chủ động điều hành. Nhờ đó, mức độ chính xác hợp lý của công tác điều phối tăng lên, các rủi ro được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, các yếu tố tài nguyên được huy động và phân bổ một cách hợp lý. Quá trình sản xuất nông nghiệp chuyển từ “tùy cơ ứng biến” được đưa thành các quy trình và và giải pháp công nghệ chính xác, gần giống như trong công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp góp phần hình thành nền “nông nghiệp chính xác”, nền “nông nghiệp thông minh”, nền “nông nghiệp tự động”,…đây là bước tiến đột phá về công nghiệp hóa trong nông nghiệp.

Thứ tư là hình thành quan hệ cộng đồng hiện đại.

Trong quá trình tiến hóa của xã hội loài người, con người chuyển từ xã hội nông thôn sang tiến trình đô thị hóa và toàn cầu hóa. Đây là quá trình làm thay đổi căn bản quan hệ trong tổ chức xã hội. Các gia đình từ nhiều thế hệ sống chung, thu hẹp quy mô lại dần và đi đến đến xu hướng độc thân, độc lập. Các cộng đồng dân cư gắn bó hiểu biết và ràng buộc với nhau hàng trăm năm trong các thôn bản lần lượt di cư đến các vùng khác và đến đô thị, vừa làm tách biệt đứt gãy các quan hệ cũ vừa kết nối mở rộng các quan hệ mới trên phạm vi rộng lớn hơn. Luồng thông tin và các mối quan hệ định hướng vào từng khía cạnh riêng biệt, giảm tính đồng bộ. Các mối quan hệ ngắn hạn lại về thời gian và thường xuyên thay đổi. Cộng đồng cổ truyền đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bước đột phá mới. Từ khi hình thành xã hội loài người, lần đầu tiên con người được trang bị các công cụ rẻ tiền và thuận lợi để kết nối trở lại với nhau, vượt qua không gian. Mạng xã hội và các hệ thống thông tin đa chiều cho phép con người kết nối lại các cộng đồng theo nhiều góc độ, tùy theo mối quan hệ và sự quan tâm của từng nhóm. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo nên sự ảnh hưởng lan tỏa về tư tưởng, trao đổi thông tin, gắn kết về tình cảm, đồng thuận về hành động, khiến cho con người có thể xây dựng các cộng đồng hiện đại trên quy mô rất lớn và phối hợp hành động với nhau, tạo nên sức mạnh to lớn trong thời gian ngắn. Đây là thay đổi căn bản cả về quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội

Thứ năm là năng lực điều hành phối hợp các hoạt động kinh tế.

Suốt quá trình phát triển kinh tế của loài người, máy móc và trang thiết bị hoạt động như các công cụ bị động chịu sự điều hành trực tiếp của từng con người và nhóm người riêng biệt. Việc phối hợp hoạt động giữa các khối máy móc phải thông qua sự phối hợp hành động của các nhóm con người. Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, cách vận hành này làm chậm quá trình, và hoạt động của máy móc khó tránh khỏi các sai sót chủ quan do con người gây nên.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm xuất hiện năng lực kết nối chủ động và tức. Hoạt động tác nghiệp của các hệ thống máy móc phối hợp với nhau một cách tự động hoặc bán tự động dưới sự giám sát của con người. Nhờ đó, giảm bớt được không chỉ số người lao động vận hành máy móc mà cả số lượng cán bộ điều hành và quản lý, tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh tật và các rủi ro khác cho con người, đảm bảo tính khách quan trong việc ra quyết định và điều hành. Đây là bước đột phá mới làm thay đổi tính chất của quan hệ và lực lượng sản xuất nghĩa là làm thay đổi hẳn phương thức sản xuất. Với công nghiệp, đồng bộ hóa máy móc là một thời đại công nghiệp hóa mới, thì đối với nông nghiệp đây là một cuộc cách mạng cả trong công nghệ và cả trong thể chế nông thôn. /.

TS. Đặng Kim Sơn

Nguồn: hdll.vn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tái cơ cấu nông nghiệp: Chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Long An

DNTH: Long An coi tái cơ cấu nông nghiệp là chìa khóa để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tỉnh cũng đã chủ động ban hành các đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp, đồng thời lồng ghép hiệu quả nguồn vốn...

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên

DNTH: Theo TS. Trần Quý (Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam) chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên.

Phát huy vai trò hợp tác xã trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

DNTH: Phát triển hợp tác xã (HTX) là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện...

Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

DNTH: Sáng 12/11 tại Hà Nội, Viện chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” nhằm tìm kiếm giải...

Ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản sản phẩm góp phần nâng cao giá trị nông sản

DNTH: Ứng dụng công nghệ vào chế biến và bảo quản nông sản – thực phẩm đóng vai trò then chốt, mở ra cánh cửa cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Thị trường Halal: Cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam

DNTH: Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như...

XEM THÊM TIN