Trưa 8/5, tôi tra cứu trên trang tìm kiếm Google cụm từ khóa “cô giáo tiếng Anh chửi học viên”, chỉ sau 0,54 giây cho ra khoảng 1.720.000 kết quả, tập trung ở 7 trang tìm kiếm của Google, đều liên quan đến người phụ nữ có tên là Nguyễn Thị Kim Tuyến, đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần hệ thống giáo dục MST, đơn vị sở hữu Trung tâm tiếng Anh MST English mà bà Tuyến là người trực tiếp đứng lớp.
Có lẽ không cần nói thêm về lý do mà nhân vật này đột ngột “hot” đến thế trên mạng xã hội cũng như truyền thông mấy ngày qua. Chỉ biết rằng, video clip ghi lại cuộc đối thoại của bà Tuyến với một nam học viên của trung tâm này đã khiến dư luận phẫn nộ, xấu hổ khi nghe đến. Đặc biệt đối với những người làm công tác giáo dục như chúng tôi, không khỏi cảm thấy bị xúc phạm khi trên mạng xã hội đề cập đến người phụ nữ này đều gọi bằng danh xưng “cô giáo” hay “giáo viên”.
Ngay sau khi sự việc được mạng xã hội truyền tải và qua báo chí thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội đã vào cuộc, phối hợp với Công an và các cơ quan chức năng để xác minh, thì phát hiện Trung tâm tiếng Anh MST English do bà Tuyến là người đại diện pháp luật và trực tiếp đứng lớp hoàn toàn chưa đăng ký hoạt động đào tạo ngoại ngữ theo quy định. Như vậy MST English hoạt động “chui” và bà Tuyến không thể gọi là “giáo viên” như bao nhà giáo khác trong hệ thống giáo dục nước nhà. Đó cũng là lý do mà tôi không gọi người phụ nữ này là “cô giáo” hay “nhà giáo”, bởi những cách gọi đó chúng tôi chỉ sử dụng đối với đồng nghiệp của mình mà thôi.
Tuy nhiên, cũng chính điều này khiến tôi tâm tư suốt mấy ngày qua. Vì sao danh xưng “giáo viên” hay “nhà giáo” có thể được sử dụng dễ dàng đến thế? Chúng tôi được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, với những môn học về nghiệp vụ sư phạm quan trọng không kém kiến thức chuyên môn. Khi ra trường được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục, dù công lập hay ngoài công lập, nhưng đạo đức, tác phong và nghiệp vụ sư phạm vẫn luôn phải trau dồi, học hỏi, tập huấn qua từng năm học. Chúng tôi tự hào mình là nhà giáo được Nhà nước cũng như xã hội tôn vinh nghề “trồng người”. Và, một điều chắc chắn, dù chúng tôi công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà đến hết cuộc đời này cũng không bao giờ trông chờ, mong muốn bản thân được “hot” như trường hợp của người được ngộ nhận là “nhà giáo” kia.
Tất nhiên đâu đó trong ngành vẫn còn một số cá nhân lệch chuẩn, gây ảnh hướng đến đội ngũ, đến cả uy tín của ngành trong thời gian qua, nhưng đó là những “con sâu” mà nghề nghiệp không cho phép tồn tại, đồng nghiệp cũng không ai ủng hộ. Dư luận hoàn toàn chính xác khi lên án những con người đã làm ảnh hưởng đến nghề nghiệp cũng như các đồng nghiệp của mình. Những người như vậy, dù có thương cảm đến đâu, chúng ta cũng không thể để tiếp tục đứng lớp, tiếp tục giảng dạy cho các em học sinh thân yêu.
Còn với những người như bà Tuyến, không phải cứ vào dạy ở một trung tâm ngoại ngữ (thậm chí đây là một trung tâm hoạt động chui, vi phạm các quy định của pháp luật) là được gọi bằng danh xưng giáo viên. Đó chỉ là người cung cấp dịch vụ thông qua hoạt động truyền thụ, còn học viên (tôi không dùng từ học sinh) là khách hàng, thông qua hợp đồng giao dịch là việc đăng ký học lớp đào tạo ngoại ngữ nào, loại hình đào tạo ra sao, trong thời gian bao nhiêu lâu...
Nói cách khác, đó là một dịch vụ mà ai cũng có thể tham gia theo thỏa thuận đôi bên. Sự ràng buộc chỉ là kinh phí, khách hàng chi trả cho bên cung ứng dịch vụ. Nó khác hẳn với môi trường giáo dục chính quy, có lớp có thầy, có tổ chức, có ràng buộc chất lượng và nhất là có sự gắn bó dài lâu với tình nghĩa thầy trò, bè bạn. Với những cơ sở được tổ chức bài bản, được quản lý chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra giám sát bởi các cơ quan chức năng, chắc chắn mọi việc sẽ khác hẳn. Hàng loạt những trung tâm tiếng Anh có tên tuổi, đông đảo người học đăng ký, thậm chí là xếp hàng để được học, chính là từ uy tín và chất lượng đào tạo do họ tự tạo dựng, từ đó có thương hiệu đối với xã hội.
Những cơ sở ấy, đều được quản lý bởi những người có tâm huyết thực sự với giáo dục, với đội ngũ là những người có chuyên môn nghiệp vụ, có tâm huyết, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Thiết nghĩ, đó nên là những điều kiện tiên quyết để được cấp phép hoạt động đối với bất cứ cơ sở giáo dục nào. Có như vậy, sự việc đáng lên án như ở Trung tâm MST
English của bà Tuyến hay trước đây người dạy tiếng Anh “Cung Bọ cạp” Lê Na, cũng từng khiến dư luận dậy sóng, sẽ giảm thiểu rất nhiều.
Nghề nào cũng có những chuẩn mực nhất định, đặc biệt là đối với nghề giáo. Chuẩn mực ấy, hàng đầu là việc không bao giờ có chuyện sử dụng ngôn từ chợ búa, thậm chí là rất vô giáo dục. Điều đó, chỉ có thể tồn tại ở những người ngụy danh, hay có thể nói là khoác “vỏ bọc” nhà giáo. Và người học cũng đừng nhìn vào những tấm biển có vẻ chuyên nghiệp mà coi đó là uy tín và chất lượng. Thực chất chỉ là sự đánh bóng, lừa bịp dưới cái mác “chui” như MST English mà thôi.
Ý kiến bạn đọc...