MỘT SỐ PHONG TỤC TẬP QUÁN CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN GÌN GIỮ CỦA DÂN TỘC TÀY
Nhà văn Đoàn Ngọc Minh
Trong xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay, bản sắc văn hóa cổ truyền các dân tộc trên đất nước Việt Nam trong đó có dân tộc Tày đóng vai trò quan trọng cần được bảo tồn và phát huy như lễ cưới, ma chay, các lễ hội, làng nghề truyền thống, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách đồng bộ để các dân tộc hiểu và nhận thức đúng đắn, có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình lưu truyền từ xa xưa qua các thế hệ để “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Dưới đây xin giới thiệu một số phong tục tập quán của tộc người Tày.
Người Tày xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 1- trước Công nguyên, họ đắp đập, phai, mương dẫn nước để trồng lúa.
Nghề nông nghiệp chủ yếu của người Tày là: Trồng lúa, ngô, khoai, sắn rau củ các loại. Ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn có các loại quả hợp thổ nhưỡng như: Táo, Lê, Mận, Quít, Hồng, ở Cao Bằng còn có cây Hạt dẻ nổi tiếng.
Cây công nghiệp có: Chè, Thuốc lá, Trẩu, Hồi
Thủ công nghiệp: Đan chiếu, cót, bồ, sọt, giậu, làm (tròn có quai đeo), rổ, nơm, đó, nón lá chít (kiểu nón người Choang), đóng gạch, ngói, nung vôi, ép dầu thực vật (dầu lai, trẩu, hồi).
Nghề dệt: người Tày nuôi tằm lấy tơ tự dệt vải, nhuộm chàm cắt khâu váy áo, khăn, dệt thổ cẩm làm mặt chăn, mặt địu và màn.
Trang phục cổ truyền: Trang phục nam nữ đều bằng vải chàm không có hoa văn họa tiết, nữ may áo cánh dài 5 thân cổ tròn cao, cài 5 - 7 khuy từ cổ xuống bên sườn phải (khuy đồng tròn to bằng hạt đỗ tương) áo dài đến cổ chân, ngày lễ hội, cưới xin phụ nữ Tày mặc thêm áo cánh trắng bên trong áo dài vải chàm và dây thắt lưng to bằng vải chàm, đuôi thắt lưng buông ở phía sau lưng tạo dáng. Trước đây phụ nữ Tày thường mặc váy rộng vải chàm hoặc vải đen đến nay chỉ còn một số ít phụ nữ Tày ở vùng núi cao như Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) còn mặc váy, quần phụ nữ Tày ống rộng, cắt chân què, đũng rộng, cạp rời có thể bằng vải đen cùng màu hoặc vải hoa. Đồ trang sức phụ nữ Tày gồm: Vòng bạc đeo cổ, tay, chân và dây xà tíc bạc dắt ở ngang thắt lưng bên phải.
Đầu phụ nữ Tày: Vấn khăn mỏ quạ
Trang phục nam: áo ngắn 5 thân cổ đứng vạt áo dài xuống quá đầu gối. Quần chân què, rộng đũng cạp rời.
Đầu nam giới: quấn khăn vải chàm, sau này họ thường đội mũ nồi đen.
Nghề rèn: Người Tày lập thành làng, bản làm nghề rèn dao, búa, và các loại nông cụ khác (hiện còn làng rèn Phúc Sen ở huyện Quảng Uyên Cao Bằng)
Theo số liệu thống kê đến nay dân tộc Tày có khoảng 1,7 triệu người, dân số đứng thứ hai sau người Kinh tại Việt Nam, dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai và Điện Biên. Người Tày thường sinh sống trong các thung lũng, ven đồi và dọc bờ sông, suối lập thành bản nhỏ có bản 5 – 7 nhà, thường thì các bản trên mười nóc nhà. Ngôi nhà truyền thống của người Tày thường là nhà sàn lợp ngói âm dương, sàn nhà là thân tre già dập ra hoặc lát gỗ xẻ. Vách nhà thưng bằng thân nứa dập đan thành tấm phên hoặc bằng ván gỗ. Ở vùng núi biên giới người Tày dựng nhà đất lợp gianh, ngói âm dương hoặc tấm lợp froximang có nơi làm nhà tường trình rất chắc chắn. Việc bố trí sinh hoạt trong gia đình được qui định thống nhất. Giữa nhà bố trí bếp lửa, nam ở ngoài còn nữ ở trong buồng kín đáo.
Về tín ngưỡng: Dân tộc Tày chủ yếu thờ cúng tổ tiên, một số bái phật giáo, thiên chúa giáo; bàn thờ tổ tiên của người Tày đặt chính giữa nhà thành không gian linh thiêng. Khách, phụ nữ (nhất là phụ nữ đang mang thai), trẻ con không được ngồi quay lưng lại bàn thờ, không nằm trên ghế, giường kê trước bàn thờ, giường chỉ dành cho đàn ông cao tuổi trong nhà được nằm.
Lễ cưới: Trước khi tổ chức lễ cưới người Tày thường trải qua các bước:
-Dạm ngõ: nếu gia đình nhà trai ưng cô gái nào thì đem nửa kg đường phên hoặc mật sang nhà gái (mai thương- dạm bằng đường) nghĩa là để cho người khác không thể đến dạm ngõ nữa.
-Hỏi vía: Nhà trai hỏi xin nhà gái ngày, giờ, năm sinh cô gái (sam mỉnh- hỏi vía) nhà gái đồng ý sẽ ghi lại ngày, giờ, năm sinh con gái mình vào tờ giấy hồng đào hoặc giấy đỏ đưa nhà trai. Nếu 2 bên hợp vía thì làm lễ.
- Lễ dạm hỏi: Hai bên hợp vía thì sẽ làm lễ (páo mỉnh – dạm hỏi) lễ vật gồm: 1 gà trống thiến, 1 kg thịt lợn, 2 chai rượu.
- Lễ ăn hỏi: Hai bên gia đình bàn bạc thống nhất sẽ làm lễ (Kin tháp – ăn hỏi) lễ vật có 1 mâm xôi, 1 con gà thiến, 2 đôi bánh chưng, 100 bánh dày, trong lễ này hai bên gia đình bàn bạc, nhà gái thách cưới gồm: Tiền dẫn cưới, 90 kg thịt lợn móc hàm, 10 con gà thiến, 200 bánh dày, 2 đôi bánh chưng, 1 gánh xôi, 50 lít rượu, trầu cau, thuốc lá, bánh kẹo…
- Lễ cưới: thường tổ chức từ mùa thu đến mùa xuân. Người Tày thường mời bạn bè, người thân từ trước 9 ngày trở lên (slắng lẩu cẩu voằn) quà mừng cưới có: tiền mặt, quà tặng (ấm chén, nồi, chậu, mâm, chăn, rượu, gạo). Trước ngày cưới nhà trai đem các lễ vật dẫn cưới sang cho nhà gái. Lễ rước dâu có: mâm xôi gà, rượu, chè, thuốc lá, trầu cau, tiền lì xì gói trong giấy hồng điều hoặc giấy đỏ cho các anh, chị em họ hàng chưa có gia đình và người già bên cô dâu. Ngoài ra nhà trai còn phải đem đến 1 cây vải tự dệt màu trắng (chiều dài 10 – 12 mét; rộng 50 cm) tặng mẹ cô dâu gọi là trả ơn cha mẹ công dưỡng dục; khi cô dâu sinh con, người mẹ sẽ nhuộm cây vải này thành màu chàm và khâu địu cho cháu ngoại. Ông quan lang đến dưới chân cầu thang nhà cô dâu sẽ hát văn ca (rẳp lùa – đón dâu) nếu hát lời lẽ hay thì được nhà gái chấp nhận và mở cửa cho vào nhà. Cô dâu ra cửa được ông (bà) hoặc cha, mẹ đội chiếc nón mới lên đầu và dặn dò: con hãy bước thẳng về phía trước đừng quay đầu lại! Có vùng như (Bắc Cạn) cô dâu đặt đôi giày mới ở trước cửa, họ hàng, bạn bè sẽ tặng tiền mừng vào đôi giày của cô dâu. Sau đám cưới cô dâu về nhà cha mẹ đẻ cho đến kỳ sinh nở mới trở lại nhà chồng. Trang phục cưới: cô dâu, chú rể mặc bộ quần áo chàm (ở một số vùng cô dâu mặc liền 2 bộ áo dài vải chàm mới). Cô dâu ra mắt họ hàng được lì xì tiền mặt, ( ngòi nả lùa mấu - xem mặt dâu mới) cô dâu tặng lại họ mỗi người một chiếc khăn rửa mặt mới. Đêm tân hôn cô dâu ngủ trong buồng cùng các bạn đi phù dâu, chú rể ngủ riêng. Sáng hôm sau cô dâu dậy thật sớm đi gánh nước về đun nước rửa mặt dâng ông, bà, cha, mẹ họ hàng của chú rể rồi mới cùng chú rể về lại mặt 3 ngày bên cha mẹ đẻ.
- Đám ma: Người Tày quan niệm người chết nhưng linh hồn thì vẫn tồn tại ở thế giới khác, vì vậy khi có người chết họ đón thầy tào về làm lễ (piảc khoăn – rẽ vía) từ 3 – 5 ngày xong mới đem chôn. Nếu người chết ở ngoài (tai nạn hoặc rủi ro khác không kịp đưa vào nhà) thì làm lán đặt quan tài ở bên ngoài đồng thời tổ chức tang lễ chứ không được đưa vào trong nhà (người Tày cho rằng chết ở ngoài là do phi mẩt- hồn ma đưa đi) nếu đưa vào nhà thì tổ tiên không chấp nhận và gặp vận rủi. Trẻ sơ sinh chết, người Tày không đem chôn mà bọc trong chăn vải chàm đặt vào giậu, sọt đưa vào rừng treo lên cành cây (để linh hồn bé được bay nhảy, siêu thoát). Khi cha mẹ chết, các con trai đeo mõ dao, chống gậy, đầu đội vành dây như chân kiềng bện bằng sợi lạt quấn vải trắng đem gói muối bơ gạo mời thầy tào đến cúng đám tang. Thầy tào xem ngày tốt mới đến cúng, vì vậy có đám ma để 7 ngày, thậm chí có nơi để cả chục ngày thầy tào đến cúng xong mới đem chôn.
- Lễ tảo mộ: Người Tày rất coi trọng lễ tảo mộ tổ tiên và người thân vào ngày 3-3 âm lịch (tiết Thanh minh), con cháu tụ tập lên mộ dọn sạch cỏ, cắm (co sièn - cây tiền) cắt bằng giấy xanh, đỏ…lên mộ rồi dựng lều cúng trước ngôi mộ lễ cúng có: Lợn quay, gà luộc, xôi ngũ sắc, bánh dày, bánh gai, rượu, trầu, thuốc lá, thuốc lào…sau khi cúng hết tuần hương, con cháu hóa vàng rồi bày đồ cúng ra và cùng nhau ăn lộc. Nhiều nơi tảo mộ xong còn đốt pháo râm ran.
- Văn hóa người Tày: Người Tày có vốn văn hóa cổ từ lâu đời được truyền tụng đến ngày nay gồm các thể loại: thơ ca, trường ca (khảm hải) truyện cổ, truyện cười dân gian, dân ca, dân vũ…các làn điệu dân ca đặc trưng: sli, lượn, hát đón dâu, hát ru (lượn người Tày giống như hát ví, hát đối về tình yêu về cuộc sống như người dưới xuôi). Nổi bật có làn điệu lượn then, lượn slương, lượn cọi, dzá hai, pựt lằn, văn ca (ngâm, hát trong đám cưới, đám tang).
Ngoài ra còn có các lễ hội dịp đầu xuân như hội Lồng tồng, Nàng Hai, hội Pháo hoa.
Nhạc cụ chủ đạo của người Tày: Đàn tính (có vùng dùng đàn 2 dây có vùng 3 dây, lại có vùng độc đáo dùng đàn tính 12 dây như (Ba Bể, Bắc Cạn) được dùng trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần như: văn hóa tâm linh (pựt, dzàng – bụt) lễ giải hạn, lễ Vun hoa, lễ Cầu tự…( các lễ này hiện đã bị hạn chế và mai một đi vì bị coi là “mê tín dị đoan”); đặc biệt đàn tính được coi là phương tiện giao tiếp giàu bản sắc trong nghệ thuật dân ca, dân vũ của người Tày.
Thực trạng sinh sống người Tày hiện nay: Dân tộc Tày nhiều nơi vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, giữ được bản sắc riêng của dân tộc mình. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế và lý do khách quan khác (cán bộ văn hóa đến vận động) nhiều vùng đã dần đánh mất truyền thống văn hóa như: cưới xin, ma chay đã dần Kinh hóa không còn đủ tục lệ cưới hỏi như trước đây (cô dâu không còn mặc bộ áo chàm mà mặc áo dài, váy cưới trắng hiện đại) đám ma cũng chỉ để 3 ngày, mời thầy tào đến cúng sơ sài rồi đưa đi chôn.
Dân trí: Dân tộc Tày ở vùng núi nhiều nơi còn mù chữ, trẻ em vùng cao đi học trong điều kiện vô cùng khó khăn. Phải lội sông, suối học lớp ghép (một lớp khoảng 10 - 15 em từ lớp 1 đến lớp 4) ở các phân trường xa, trường lớp còn đơn sơ (mái lợp gianh hoặc froximang vách đan phên hoặc trát đất) mùa đông trẻ em đi học không đủ áo ấm, chân đi đất nhiều em khóc trong lớp vì lạnh. Cô và trò phải đốt lửa giữa lớp để học giữa bốn bề sương trắng mịt mù (điển hình ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm Cao Bằng là nơi cách xa tỉnh lỵ gần 200 km).
Đồng bào Tày ở vùng núi, biên giới còn gặp nhiều rất nhiều khó khăn thiếu thốn, nhiều thôn, bản xa thị trấn chưa đến 10 km nhưng vẫn chưa có điện nước, một số doanh nghiệp mở đường vào biên giới đã không đền bù đất đai cho dân theo Luật Đất đai, phần do dân trí thấp phần họ ở vùng cao vùng xa không biết kêu cứu vào đâu nên người dân chỉ còn biết gây sự dọa đánh người thi công (xã Cô Ba…huyện Bảo Lạc) nếu được các cấp các ngành, đoàn thể thực hiện tốt chính sách, pháp luật Nhà nước về việc đền bù đất đai theo luật định sẽ tạo được lòng tin của người dân.
Mong muốn của người Tày: Được sống trong hòa thuận, được tôn trọng và bình đẳng. Được bảo vệ tín ngưỡng, được công khai khôi phục lại các sinh hoạt tâm linh như: Lễ giải hạn, Lễ Vun hoa, Lễ Cầu tự…như vậy mới gìn giữ và bảo vệ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình góp phần gìn giữ kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam anh em.
Ý kiến bạn đọc...