Nhức nhối nạn phá rừng Xuân Lẹ

15:46 | 20/09/2019

DNTH: Cuối năm 2018 đến nay, rừng thuộc thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng quy mô lớn.

[clip] Rừng Xuân Lẹ đang "chảy máu"

Mới đây, “lâm tặc” đã ngang nhiên đốn hạ hàng chục cây gỗ khiến dư luận bức xúc.  

Gỗ xẻ giấu trong rừng sâu

Từ thị trấn Thường Xuân, sau khi di chuyển hơn 1 giờ đồng hồ bằng xe máy, chúng tôi vượt tiếp 6 - 7 con suối để vào thôn Liên Sơn. Điểm chặt phá rừng nằm trên núi Pù Rinh, cách thôn Liên Sơn 2 giờ đồng hồ đi bộ.

15-08-48_1
Những khối gỗ được xẻ vuông vức giấu trong rừng Pù Rinh.

Theo lối mòn nhỏ xuyên giữa rừng, chúng tôi hướng lên núi Pù Rinh, nơi được xác định là điểm “nóng” về khai thác gỗ. Sau nhiều lần lên xuống dốc, chúng tôi đến một ngã ba. Tại đây, trên những lối mòn nhỏ từ rừng sâu dẫn ra đã bắt đầu xuất hiện những vết chân trâu bò, vết trượt tạo thành từng rãnh sâu trên nền đường; nhiều đoạn được đóng những cọc gỗ bên cạnh lối đi.

Người dẫn đường khẳng định, đó là vết chân trâu, vết trượt của việc vận chuyển gỗ; những cọc cây bên lối mòn dùng để chặn gỗ lăn xuống suối trong quá trình vận chuyển.

Tầm 3 giờ chiều chúng tôi tiếp cận một điểm chặt phá rừng lưng chừng núi Pù Rinh. Hiện ra trước mắt là những cành cây ngã rạp hướng về khe suối, lá chưa kịp héo rụng.

Ngay phía trên, gỗ được xẻ thành khối vuông vức, kích thước 25x25cm, dài từ 2,5 - 4m, hai đầu đã được đục móc để vận chuyển nhưng chưa kịp tẩu tán.

Tại khu vực này có 4 cây gỗ mới bị đốn hạ, gốc còn ứa nhựa, đường kính gốc từ 40-60 cm. Theo người dẫn đường, đây là những cây gỗ ngát, thuộc gỗ nhóm VII (?).

Mùn cưa, những tấm bìa còn tươi, mùi gỗ thơm mới và các dấu vết tại hiện trường cho thấy, số gỗ này mới chỉ được đốn hạ và xẻ cách đây vài ngày. Người dẫn đường phỏng đoán, có lẽ mấy hôm nay trời đang mưa nên các đối tượng chưa kịp vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là điểm chặt phá rừng “nóng” nhất trên cánh rừng thuộc thôn Liên Sơn.

15-08-48_2
Lán nghi của lâm tặc.
Trên đường từ núi Pù Rinh trở về, người dẫn đường kể nhiều câu chuyện về rừng Xuân Lẹ. Ngày xưa cánh rừng này có rất nhiều cây cổ thụ giá trị, nhất là sến. Nhưng theo thời gian, cánh rừng thưa dần và hiện vẫn đang bị chặt phá không thương tiếc. Có những khoảnh rừng bị các đối tượng chặt phá ngổn ngang, thân cây to ngã rạp bắc qua những con suối lớn, chúng có đường kính trên dưới 1 m. Nếu các cơ quan chức năng không ngăn chặn quyết liệt, chẳng bao lâu nữa rừng Xuân Lẹ rỗng sạch ruột.

Tầm 5 - 6 giờ chiều, cơn mưa bất chợt kéo đến, rừng Liên Sơn tối sầm. Chúng tôi quyết định tạm quay trở ra để tránh bị lũ vắt rừng tấn công.  

Tan hoang rừng Xuân Lẹ

5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi xuất phát từ thị trấn Thường Xuân về thôn Liên Sơn, rồi lên núi Pù Rinh. Từ đỉnh Pù Rinh, muốn qua đất Nghệ An chỉ cần vài giờ cắt rừng đi bộ.

Sau hơn 2 giờ đi bộ, đến ngã ba đường rừng thì rẽ tay trái đi về phía thác Trai gái. Từ đây, chúng tôi mở đường đi về phía những con suối nhỏ, len qua những lùm bụi rậm để được mục sở thị hiện trường khai thác gỗ.

Cảnh tượng trước mắt hết sức xót xa, hàng chục cây gỗ lớn bị chặt trơ gốc; cành, ngọn và cả thân gỗ vẫn còn nguyên tại hiện trường. Theo người dẫn đường thì đây phần lớn là gỗ sến, thuộc gỗ nhóm II, cùng nhóm đinh, lim, nghiến...

Cứ cách chừng 80 - 100m lại có một cây gỗ lớn bị cưa đổ. Cây ngắn đổ ngọn xuống khe nước; cây dài 15 - 25m có thân bắc qua cả dòng suối rộng tạo thành những chiếc cầu có thể đi từ bên này qua bên kia.

Có những thân gỗ có đường kính 80 - 90cm, phải hai người ôm mới xuể; đường kính một số gốc cây lên tới gần 1m. Những cây gỗ này gục ngã bởi những nhát cưa sắc ngọt, nhựa ùn ra đã khô cứng. Ngay sát khe suối và trong những lùm cây vẫn còn sót lại những chiếc chòi, có lẽ do lâm tặc bỏ lại.

15-08-48_4
Đường kính gốc cây bị đốn hạ phải 2 người mới ôm xuể.

Theo dấu kiểm đếm của lực lượng kiểm lâm ghi trên gốc cây thì những cây gỗ này được đốn hạ từ tháng 4/2019. Sau một thời gian lùng sục các góc rừng của núi Pù Rinh, riêng tại khu vực này chúng tôi phát hiện có 20 cây gỗ đã bị chặt phá trong khoảng thời gian trên.

Theo tính toán của người dẫn đường, bình quân mỗi cây gỗ bị đốn hạ tại hiện trường mà chúng tôi tiếp cận được có khối lượng khoảng 2 - 3m3 và đây là những cây gỗ quý nhiều năm tuổi nằm giữa rừng khoanh nuôi bảo vệ của người dân thôn Liên Sơn. Nếu điều người dẫn đường ước lượng chính xác thì tại khu vực rừng này của thôn Liên Sơn phải có ít nhất 40 - 60m3 gỗ tròn bị các đối tượng triệt hạ.

Người dẫn đường cho rằng, do chỉ có con đường độc đạo, dễ bị phát hiện nên việc vận chuyển gỗ từ khu rừng này ra phía ngoài rất khó khăn. Địa hình núi Pù Rinh dốc, hiểm trở nên có thể các đối tượng chờ khi mưa xuống sẽ “nhờ” dòng nước suối Muồng kéo gỗ ra một điểm tập kết nào đó thuận lợi để cưa xẻ. Vì vậy, tất cả những cây gỗ nằm ngổn ngang ở khu vực này chưa được xẻ, nằm cạnh các con suối.

15-08-48_5
Gỗ bị chặt la liệt, nằm vắt ngang khe suối.

Khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, chúng tôi quyết định xuống núi mà vẫn còn tiếc là chưa thể đi hết núi Pù Rinh. Người dẫn đường khẳng định, số lượng gỗ không chỉ dừng lại ở 20 cây bị đốn hạ mà sẽ còn nhiều hơn nữa nếu có thời gian đi hết cánh rừng này.

Trên đường từ đỉnh Pù Rinh về thôn Liên Sơn, chúng tôi đi dọc theo suối Muồng. Người dẫn đường cho biết, nếu chịu khó đi theo con suối này sớm muộn cũng sẽ gặp điểm tập kết gỗ. Khi chúng tôi đi đến đoạn suối chảy qua Thôn Liên Sơn thì phát hiện một điểm tập kết gỗ. Tại đây có 4 phiến gỗ đã xẻ, 2 thân gỗ tròn. Người dẫn đường cho rằng, thời điểm này nước suối xuống thấp nên lượng gỗ tập kết trên suối ít chứ lúc nước suối to lượng gỗ có thể nhiều hơn.

15-08-48_7
Một điểm tập kết gỗ trên suối Muồng đoạn đi qua thôn Liên Sơn.

Ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân tỏ ra bất ngờ về một điểm chặt xẻ gỗ mới mà chúng tôi dẫn chứng. Ông Long cho biết, trước đó, vào tháng 4/2019, kiểm lâm địa bàn đã phát hiện 1 vụ chặt hạ gỗ rừng tại khu vực núi Pù Rinh với 14 cây gỗ táu muối, thuộc nhóm 6, khối lượng 24 m3. Sau khi phát hiện sự việc, Hạt Kiểm lâm Thường Xuân đã cho kiểm đếm, giữ nguyên hiện trường toàn bộ số gỗ, khởi tố vụ án và gửi cơ quan công an tiếp tục điều tra xử lý.

Ngoài vụ việc trên, Hạt trưởng Phạm Thăng Long xác nhận, cách đây ít ngày, tại lô 139, Khoảnh 1, Tiểu khu 619, thuộc rừng khoanh nuôi bảo vệ được giao cho ông Vi Văn Sơn, bản Liên Sơn cũng xảy ra một vụ chặt phá rừng. Các đối tượng đã khai thác 29 cây gỗ, có đường kính từ 14-35 cm, gỗ nhóm 6 với tổng khối lượng 3,8m3. Hạt Kiểm lâm Thường Xuân đang phối hợp với công an để làm rõ sự việc. 

Theo VÕ VĂN DŨNG

Báo Nông Nghiệp

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Ghé thăm Vườn quốc gia Tam Đảo - khu đa dạng sinh học cao

Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm, là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen.

Dồn lực giải tỏa công suất năng lượng tái tạo

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời hoà lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực hỗ...

Vĩnh Phúc lên tiếng về căn cứ triển khai dự án ven hồ Đại Lải

Sau kết luận của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những sai phạm của các dự án ven hồ Đại Lải, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc mới đây cung cấp nhiều văn bản liên quan.

Ô nhiễm ánh sáng hiểm họa khôn lường

So với ô nhiễm khói bụi, khí thải, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước… thì ô nhiễm ánh sáng mờ nhạt hơn hẳn. Ô nhiễm ánh sáng ít người để ý, lại càng không mấy ai đề phòng, mặc dù hậu quả mà nó gây ra thì không hề mờ nhạt,...

Thủ tướng chủ trì họp về các giải pháp cấp bách phòng chống thiên tai

Chiều 1/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm với một số bộ, ngành bàn về tình hình thiên tai và giải pháp cấp bách cần triển khai thực hiện cũng như xử lý một số kiến nghị, không để tình...

XEM THÊM TIN