Rừng đặc dụng Pù Mát bị xẻ thịt

16:20 | 13/08/2019

DNTH: Trên địa bàn huyện Con Cuông (Nghệ An) vừa xảy ra vụ việc phá rừng quy mô lớn, có tính chất hết sức nghiêm trọng. Hiện trường chặt phá được xác định là rừng đặc dụng, nằm trong địa phận quản lý của Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát.

15-01-14_1

Vụ việc xảy ra trong vùng lõi của VQG Pù Mát.

99 cây đổ gục

Thực hiện kế hoạch truy quét lâm sản và săn bắn động vật hoang dã trong tháng 6/2019, VQG Pù Mát đã thành lập các nhóm tuần tra rừng (Đội Kiểm lâm cơ động, các Trạm QLBVR Cao Vều, Pha Lài, Cò Phạt và các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng) cùng phối hợp kiểm tra, truy quét. Qua đó phát hiện tình trạng phá rừng hàng loạt tại địa bàn hành chính xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Cụ thể hơn, việc khai thác gỗ trái phép diễn ra tại 5 tiểu khu gồm 833, 836A, 825, 832 và 834, tất cả đều thuộc vùng lõi của VQG Pù Mát. Tại những địa điểm nói trên lực lượng chức năng ghi nhận tổng cộng 54 tấm gỗ dổi đã được xẻ thành phiến từ 3 cây gỗ có khối lượng hơn 5,3m3, ngoài ra còn có 96 cây gỗ các loại (táu, vàng dành, sú..) bị đốn hạ nằm rải rác, đường kính bình quân dao động từ 25 - 100cm.

Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát xác nhận: “Trong tháng 6/2019 chúng tôi phát hiện 3 vụ vận chuyển phong lan quy mô lớn với trọng lượng lên đến 160kg. Nhận thấy điểm bất thường, đơn vị đã tiến hành kiểm tra trên diện rộng và phát hiện vụ việc nói trên. Ngay sau khi nắm bắt thông tin chính thức, VQG đã báo cáo tình hình đến UBND tỉnh, Huyện ủy và UBND huyện Con Cuông”.

Nhận thấy đây là vụ việc phá rừng có tính chất phức tạp, số lượng lâm sản bị khai thác quá nhiều, địa điểm lại nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn hỏa tốc số 5403/UBND-NN giao UBND huyện Con Cuông chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT (Chi cục Kiểm lâm) chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh và đề xuất cấp thẩm quyền xử lý đúng theo quy định.

15-01-14_3

UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm tra, xử lý.

Trên tinh thần đó, Sở NN-PTNT yêu cầu chủ rừng thực hiện ngay những nội dung sau: Khẩn trương xây dựng phương án canh giữ, vận chuyển toàn bộ 54 thanh gỗ xẻ ra khỏi rừng, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để xử lý. Đối với 96 cây gỗ bị khai thác trái phép, đơn vị phải thành lập đoàn để tổ chức kiểm tra, đo đếm chính xác khối lượng, xác định chủng loại, thời gian bị chặt...

Cùng với đó, UBND huyện Con Cuông tiếp tục chỉ đạo VQG Pù Mát, Hạt Kiểm lâm địa bàn, Đồn biên phòng, Công an huyện và chính quyền xã Môn Sơn tiến hành mở rộng phạm vi, kiểm tra toàn diện. Qua theo dõi được biết, danh sách tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành có trên 40 thành viên, con số cho thấy tính chất vụ việc lần này không hề đơn giản.

Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, ông Lô Văn Thao khẳng định: “Diện tích và độ che phủ rừng toàn huyện những năm qua không ngừng tăng (đạt 84,9% năm 2018), một số cơ chế chính sách gắn với công tác giảm nghèo vận dụng hiệu quả đã giúp người dân làm nghề rừng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên công tác quản lý, bảo vệ tại một số xã và chủ rừng còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt vẫn còn tình trạng chặt phá rừng trái phép trên lâm phần của VQG Pù Mát”.  

Chặt cây lấy... phong lan

Qua nắm bắt thông tin sơ bộ, 54 tấm gỗ dổi đã khai thác từ lâu, thời điểm bị phát hiện mới được các đối tượng tập kết về 1 chỗ chờ khi mưa lũ kéo về thì kết hợp vận chuyển qua Khe Tàng ra Khe Khặng.

15-01-14_2

VQG Pù Mát đã thu giữ 160kg phong lan liên quan đến vụ việc phá rừng lần này.

Rà soát bước đầu, nhiều khả năng số lâm sản nói trên do các đối tượng T. và O. ở bản Bắc Sơn bắt tay cùng đối tượng L.V.T sinh sống ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn cấu kết phá hoại. Mặc dù gỗ đã được cắt xẻ vuông vắn thành tấm, nhưng do vấp phải sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng nên quá trình vận chuyển ra ngoài tiêu thụ buộc phải tạm ngưng.

Trong khi với số gỗ tròn còn lại (96 cây), phía VQG Pù Mát khẳng định chủ yếu bị người dân cư trú tại 2 bản Búng và Cò Phạt đốn hạ với mục đích để lấy... phong lan. Hiện phần lớn số gỗ đang nằm tại hiện trường, thời điểm chặt phá xảy ra trong khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2019. Riêng 33 cây tại tiểu khu 825 nghi ngờ có sự tham gia trực tiếp của 2 đối tượng L.V.B và L.V.S (trú bản Búng), số còn lại đơn vị vẫn đang tiến hành xác minh đối tượng phá hoại.

Đây là vụ phá rừng trái phép quy mô lớn, khả năng có nhiều đối tượng tham gia. Việc chặt hạ cây rừng hàng loạt gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến công tác quản lý tài nguyên và đa dạng sinh học của VQG Pù Mát. Tuy nhiên do địa bàn khai thác đi lại khó khăn, hiểm trở (cách Trạm QLBVR Cò Phạt 20km, đi bộ hơn 8 tiếng đồng hồ), thông tin liên lạc không thông suốt nên quá trình kiểm tra, xử lý đang ít nhiều bị ảnh hưởng.

"Công tác bảo vệ rừng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích quản lý rộng, trải dài (gần 95.000ha), trong khi lực lượng kiểm lâm chuyên trách thiếu hụt trầm trọng, theo quy định mỗi người chỉ phải bảo vệ 500ha nhưng thực chất lúc này phải cáng đáng hơn 1.200ha. Phần nữa xuất phát từ cuộc sống còn nhiều khốn khó của người dân bản địa, riêng đối với khu vực bản Búng và Cò Phạt của xã Môn Sơn có hơn 200 hộ sống trong tình cảnh thiếu thốn, do áp lực cơm áo gạo tiền nhiều hộ đã có hành vi xâm phạm đến rừng".

(Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát)

 

Theo VIỆT KHÁNH/Báo Nông Nghiệp

https://nongnghiep.vn/rung-dac-dung-pu-mat-bi-xe-thit-post247274.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Ghé thăm Vườn quốc gia Tam Đảo - khu đa dạng sinh học cao

Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm, là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen.

Dồn lực giải tỏa công suất năng lượng tái tạo

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời hoà lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực hỗ...

Vĩnh Phúc lên tiếng về căn cứ triển khai dự án ven hồ Đại Lải

Sau kết luận của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những sai phạm của các dự án ven hồ Đại Lải, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc mới đây cung cấp nhiều văn bản liên quan.

Ô nhiễm ánh sáng hiểm họa khôn lường

So với ô nhiễm khói bụi, khí thải, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước… thì ô nhiễm ánh sáng mờ nhạt hơn hẳn. Ô nhiễm ánh sáng ít người để ý, lại càng không mấy ai đề phòng, mặc dù hậu quả mà nó gây ra thì không hề mờ nhạt,...

Thủ tướng chủ trì họp về các giải pháp cấp bách phòng chống thiên tai

Chiều 1/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm với một số bộ, ngành bàn về tình hình thiên tai và giải pháp cấp bách cần triển khai thực hiện cũng như xử lý một số kiến nghị, không để tình...

XEM THÊM TIN