Sai phạm nghiêm trọng tại Đảo Ngọc Phú Quốc: Ai phải chịu trách nhiệm?

08:18 | 01/09/2020

DNTH: Được mệnh danh là “Đảo Ngọc”, Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất của Việt Nam hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển đầy cát trắng nắng vàng... Tuy nhiên, những năm gần đây, do sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất rừng, đặc biệt là Vườn Quốc gia Phú Quốc, quy hoạch và cảnh quan “Đảo ngọc” đang bị phá vỡ một cách nghiêm trọng...

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, do những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất rừng, đặc biệt là tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, có thể nói rằng quy hoạch và cảnh quan “Đảo ngọc” đang bị phá vỡ một cách nghiêm trọng, đến mức nếu tập trung cố gắng, cũng sẽ rất khó để khôi phục tại nguyên trạng...

Bài 1: Không thực hiện đúng chính sách bảo vệ rừng tại Phú Quốc

(ĐCSVN) - Hơn 3.000 ha đất rừng ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) bị san bằng nhường chỗ cho các công trình, dự án nhưng vẫn chưa được trồng lại theo quy định; nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm, hàng chục ngàn m3 gỗ rừng bị đốn hạ không được khai thác tận thu, gây thất thoát ngân sách nhà nước và việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng không kịp thời...

Toàn cảnh buổi công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (thời kỳ 2011-2017). Ảnh: CN 

Đó là thực trạng những gì đã diễn ra trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Kiên Giang. Cụ thể, việc quản lý đất rừng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là tại huyện Phú Quốc chưa được quan tâm đúng mức; thậm chí còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để người dân lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng nhưng chậm được phát hiện và xử lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn tỉnh Kiên Giang đã chuyển đổi hơn 6.984ha đất rừng sang mục đích khác (rừng phòng hộ hơn 5.752 ha, Vườn Quốc gia hơn 1.231 ha), trong đó có hơn 3.321ha rừng bị chuyển đổi phải lập phương án trồng rừng thay thế. Phần lớn diện tích đất rừng được chuyển đổi sang mục đích khác này nằm tại địa bàn huyện Phú Quốc. Song thực tế đến nay mới chỉ hơn 211 ha/3.321ha (chưa đến 10%) diện tích rừng được lập phương án trồng thay thế với tổng số tiền các chủ đầu tư phải nộp để trồng là hơn 35 tỷ đồng. Trong số này, các chủ đầu tư mới chỉ nộp hơn 20,2 tỷ đồng, còn nợ gần 15 tỷ đồng. Còn lại diện tích hơn 3.109 ha đất rừng đã giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án nhưng các chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế, chưa nộp tiền rừng thay thế. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 05/VBHN-BNNPTNT ngày 25/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đặc biệt, qua các lần điều chỉnh quy hoạch, hơn 5.000 ha đất rừng đã được đưa ra khỏi rừng để phát triển kinh tế - xã hội của khu kinh tế Phú Quốc và bố trí đất nông nghiệp, đất ở cho người dân. Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phú Quốc, có 60 hộ dân đang sử dụng đất trong ranh rừng, trong đó có 9 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng BQL rừng phòng hộ Phú Quốc không nắm rõ nguồn gốc, thời gian sử dụng của người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này đã cho thấy việc quản lý, bảo vệ rừng đang có dấu hiệu bị buông lỏng.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường. (Ảnh: TL). 

Trao đổi về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Chính sách của chúng ta về bảo vệ rừng hiện đang bị “trễ nải” tại Phú Quốc, một nơi mà về nguyên tắc, chúng ta phải bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt là rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc. Và trên thực tế hiện nay, khả năng giữ rừng còn rất nhiều hạn chế. Bởi, ngay việc BQL rừng phòng hộ Phú Quốc không nắm được thực tế 60 hộ gia đình hiện sinh sống trong rừng như thế nào, nguồn gốc đất rừng ra sao... Nếu không nắm rõ được, tôi e rằng chúng ta không thể quản lý được rừng”.

Tại Phú Quốc, việc tận thu gỗ đối với các trường hợp chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác cũng không được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến nguy cơ thất thoát lớn về ngân sách nhà nước. Khoản 2, điều 11, thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT về hướng dẫn thực hiện khai thác tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ nêu rõ: Sau khi được phép chuyển rừng để xây dựng công trình hoặc chuyển sang mục đích khác và chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đền bù theo quy định, UBND cấp tỉnh giao cho chủ rừng hoặc đơn vị có chức năng khai thác để khai thác tận thu gỗ. Nhưng không hiểu sao, UBND tỉnh Kiên Giang lại không giao cho cơ quan nào chịu trách nhiệm việc khai thác tận thu gỗ, dẫn đến không quản lý được việc khai thác và không quản lý, sử dụng số gỗ tận thu, có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Đối với rừng phòng hộ Phú Quốc, trong tổng số 5.629ha đã chuyển mục đích và chuyển ra khỏi ranh rừng, theo báo cáo của BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, có 14 dự án có quyết định chuyển đổi với diện tích 79,65 ha thực hiện kiểm kê trữ lượng lâm sản với tổng trữ lượng 849,73m3, trong đó có 1 dự án có thiết kế khai thác (trạm rada đã bán đấu giá gỗ tận thu), 3 dự án đất trống (Công an xuất nhập cảnh, đường vào dự án Sungroup, chuyển đổi ven biển mũi ông Đội) nên không lập phương án tận thu gỗ, 10 dự án còn lại còn nguyên hiện trạng rừng.Dự án Khu du lịch Bãi Dài do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc làm chủ đầu tư có diện tích 304ha là một trong số rất ít dự án có khai thác gỗ tận thu nhưng nhà nước cũng chỉ thu được chưa tới 10% số lượng gỗ theo biên bản kiểm kê và bàn giao. Theo đó, tại dự án này có 13.049 m3 gỗ có đường kính từ 28cm trở lên nhưng thực tế chỉ có 118,35m3/ 13.049m3 gỗ được UBND huyện Phú Quốc tổ chức đấu giá, thu về cho ngân sách hơn 670 triệu đồng, còn lại 12.930m3 gỗ tại thời điểm thanh tra, cơ quan chức năng của tỉnh không xác định được đơn vị nào quản lý và số gỗ được sử dụng như thế nào.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, trong vụ việc này, các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần làm rõ mức độ thất thoát liên quan đến tài nguyên rừng, tài nguyên đất đai trong quá trình phá rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai; sai phạm trong cấp, cho phép chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai và cả những xung đột, tranh chấp có liên quan đến những vấn đề đó. Trực tiếp là lực lượng kiểm lâm, các ban quản lý rừng, UBND xã, phường nơi đất, rừng bị xâm hại, xâm phạm. Cạnh đó UBND huyện Phú Quốc và UBND tỉnh Kiên Giang không thể được loại trừ trách nhiệm trong quản lý theo thẩm quyền. Những người tham mưu, ra quyết định hoặc quyết định chủ trương đều phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Liên quan đến những sai phạm nói trên, nhất là công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong cuộc họp thành viên UBND tỉnh cuối tháng 5, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã nêu nghi vấn về dấu hiệu thông đồng từ bên trong cơ quan quản lý trong việc lấn chiếm đất rừng vì ranh rừng, cột mốc rừng chuẩn bị đưa ra khỏi quy hoạch tới đâu, người dân vào chặt cây lấn chiếm tới đó, chính xác tới từng vị trí. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: “Tôi không hiểu tại sao người dân lại biết chính xác toạ độ như vậy. Bây giờ ranh rừng loại tới đâu là dân chiếm tới đó, trồng cây tới đó hết, thậm chí là chặt phá cây rừng, chiếm đúng toạ độ, không sai ly nào thì liệu có bên trong bên ngoài hay không?”,

Bên cạnh các vấn đề nói trên, những sai phạm khác tại tỉnh Đảo ngọc Phú Quốc cũng đưa đến nguy cơ ngân sách bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng do việc giảm tiền sử dụng đất trái quy định.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thông tin trong những nội dung tiếp theo./.

Nhóm PV Ban Bạn đọc

Theo http://dangcongsan.vn/dieu-tra/sai-pham-nghiem-trong-tai-dao-ngoc-phu-quoc-ai-phai-chiu-trach-nhiem-562361.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN