Ít ngày qua, sự kiện đấu giá lượng cổ phần tương đương 79% vốn điều lệ tại Vinaconex (mã chứng khoán: VCG) do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đang nắm giữ nhận được sự quan tâm lớn và theo dõi sát sao của giới đầu tư.
Không bất ngờ khi đây là "siêu" thương vụ, một trong những "game" thoái vốn nhà nước lớn nhất trong nhiều năm qua.
Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiến hành bán đấu giá để thoái trọn phần vốn có quy mô 94.010.175 cổ phần VCG (tương ứng 21,28% vốn điều lệ Vinaconex) và SCIC dự kiến thoái trọn phần vốn có quy mô 254.901.153 cổ phần VCG (tương ứng với 57,71%).
So với lô của Viettel thì lô của Vinaconex sẽ hấp dẫn hơn và kịch tính hơn, trước tiên là bởi quy mô. Thứ hai là việc thay thế SCIC sở hữu lô cổ phần chiếm 57,71% vốn điều lệ Vinaconex, sẽ giúp nhà đầu tư trúng đấu giá trở thành ông chủ "thực sự" (giữ cổ phần chi phối) của tổng công ty hàng đầu này.
Với mức giá khởi điểm được ấn định ở mức 21.300 đồng/cổ phiếu và thể thức đấu giá trọn lô, nhà đầu tư tham gia thương vụ phải bỏ giá từ 5.429,37 tỷ đồng.
Sẵn sàng “chồng” tối thiểu 5,5 nghìn tỷ đồng một lúc, 4 nhà đầu tư sắp “sống mái” để thế chỗ SCIC ở Vinaconex là ai? |
Trong khi Công ty TNHH An Quý Hưng, CTCP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC là những thương hiệu đã ít nhiều có sự hiện diện trên thị trường (dù không quá nổi), thì Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (mới thành lập được 6 ngày) và ông Nguyễn Văn Đông lại là những cái tên hoàn toàn xa lạ. Nhất là ông Đông - nhà đầu tư cá nhân duy nhất, người đã đem lại rất nhiều sự tò mò từ công chúng thị trường ít ngày qua.
Trong bản thông báo đăng ký tham gia đấu giá gửi HNX, ông Nguyễn Văn Đông cho hay, bản thân sinh ngày 5/5/1980. Nhà đầu tư sinh năm 1980 này đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 264 Lý Nam Đế, phường Hương Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của VietTimes, ông Nguyễn Văn Đông hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Đông Nguyễn (Đông Nguyễn). Công ty Đông Nguyễn được thành lập ngày 5/10/2015, có địa chỉ trụ sở chính tại Quốc lộ 49, Xã Phú Thượng, Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cũng trong bản đăng ký, ông Đông cho hay nguồn vốn thực hiện cho thương vụ này là “vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm việc tham gia đấu giá và thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời gian quy định”. Bên cạnh đó, mục đích tham gia của nhà đầu tư này cũng được tiết lộ ngắn gọn là “đầu tư lâu dài”.
Sự bí ẩn của ông Nguyễn Văn Đông khiến không ít người băn khoăn rằng liệu có thực ông Đông tham gia đăng ký đấu giá cho bản thân mình để "đầu tư dài hạn" vào Vinaconex, hay ông Đông chỉ là cái tên ra mặt hộ một "đại gia" kín đáo nào đó, hay ông Đông đơn thuần đóng vai trò một "quân xanh, đỏ" (?).
Theo những thông tin thực địa dưới đây của VietTimes, thì băn khoăn trên không hẳn là không có cơ sở.
Mẹ vợ nhà đầu tư Nguyễn Văn Đông không tin con rể giàu đến thế
Phóng viên đã tìm đến địa chỉ số 264 Lý Nam Đế, phường Hương Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi ông Nguyễn Văn Đông đăng ký thường trú.
Khá bất ngờ khi đây là địa chỉ của một hộ kinh doanh tạp hóa. Tại địa chỉ này, một phụ nữ tên Nguyễn Thị Lê (62 tuổi) cho biết, Nguyễn Văn Đông là con rể của bà.
Lộ diện những nhà đầu tư đầu tiên muốn mua cổ phần Vinaconex của Viettel: Có cả công ty của con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô |
“Công ty của hắn tui không biết. Ở mô tê xa lắm, nhưng cũng trong Thừa Thiên Huế ni. Hỏi tui thì tui không biết, tui chỉ biết lo trông nom, lo cho ăn uống cho vợ con hắn để hắn lo làm ăn thôi”, bà Lê nói.
Khi được hỏi về vợ ông Nguyễn Văn Đông và công việc làm ăn của ông Đông cùng thông tin tham gia đấu giá thương vụ thoái vốn Vinaconex nhiều nghìn tỷ đồng, bà Lê cho biết, con gái bà (vợ Đông) làm nhiều việc, nhiều nơi, bán căn tin cho trường học ở trung tâm TP Huế rồi di chuyển làm nhiều việc khác.
“Vợ chồng hắn làm công ty ni công ty khác, làm chỗ ni làm chỗ khác tui có biết chi mô. Thậm chí hắn đi làm chi mà 10 ngày nay cũng không thấy bóng dáng tụi hắn. Hắn làm đủ, vừa làm kế toán chỗ ni chỗ kia. Ba đứa con hắn để cho tui lo ăn uống, chở đi học. Trước hắn có đóng cổ phần làm công ty thủy điện chi trên A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), sau rồi nghỉ, chừ sang công ty riêng làm lâu rồi, lĩnh vực kinh doanh của hắn là làm năng lượng mặt trời. Cả tháng không có ở nhà”, bà Lê cho hay.
Cũng theo bà Lê, ông Đông cũng có nhà dưới trung tâm TP Huế, nhưng việc mua cổ phần giá trị lớn như vậy thì bà Lê không hề biết, cũng như về độ giàu có của ông Đông thì bà Lê không nắm rõ, song cho rằng không có chuyện con rể giàu có đến mức đó. Vì theo bà Lê, nếu ông Đông có số tiền lớn như vậy thì đã chả để con cái nhờ bà quán xuyến, đưa đón đi học.
Tiếp tục tìm hiểu thông về nhà đầu tư bí ẩn Nguyễn Văn Đông tại Huế, theo một số chủ doanh nghiệp tại Huế và một số người dân sống xung quanh địa chỉ thường trú của ông Nguyễn Văn Đông, hầu hết đều không biết thông tin gì về doanh nhân Nguyễn Văn Đông, cũng như việc Đông sở hữu khối tài sản đủ lớn để thu xếp mua lô cổ phần Vinaconex có giá khởi điểm đến hơn 5.400 tỷ đồng.
Liên quan đến nhà đầu tư bí ẩn Nguyễn Văn Đông, sáng 17/11, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tôi không hề biết thông tin gì về anh Nguyễn Văn Đông cũng như doanh nghiệp của anh ấy. Anh ấy và doanh nghiệp của anh ấy cũng không tham gia hoạt động gì với Hiệp hội doanh nhân chúng tôi nên chúng tôi không hề biết”.
PV cũng đã liên hệ tới số điện thoại nêu tại ĐKKD một công ty của ông Đông, người nghe có xác nhận là ông Đông, nhưng sau khi PV trình bày muốn tìm hiểu thêm về thương vụ đấu giá cổ phần Vinaconex của SCIC thì người nghe báo bận họp, rồi cúp máy.
Vậy, nếu ông Đông chỉ là cái tên đại diện tham gia thương vụ đấu giá 255 triệu cổ phần Vinaconex của SCIC thì đâu mới là nhân vật đứng sau?
Muốn tham gia đấu giá, nhà đầu tư cần có gì? Khi tham gia đăng ký mua cổ phần của SCIC, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều nghĩa vụ cam kết như: Tự tìm hiều đầy đủ thông tin về VCG (Điều lệ doanh nghiệp, báo cáo tài chính, tình hình hoạt động, và các nội dung công bố thông tin khác); Thực hiện nộp hồ sơ chứng minh năng lực theo quy định; và thỏa mãn nhiều quy định pháp lý khác. Đáng chú ý, trong hồ sơ năng lực (thời gian nộp từ ngày 24/10 – 16h ngày 13/11/2018), nhà đầu tư phải có được xác nhận của Ngân hàng về số dư tài khoản của Nhà đầu tư tối thiểu bằng số Tiền đặt cọc mua cả lô cổ phần. Số Tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần cả lô tính theo khởi điểm đấu giá là 5.429,37 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư muốn tham gia đấu giá sẽ phải nộp số tiền không hề nhỏ là 542,937 tỷ đồng. Mặc dù, thời gian nộp tiền đặt cọc và làm thủ tục đăng ký từ ngày 26/10/2018 đến 16h ngày 21/11/2018. Nhưng để có giấy xác nhận của Ngân hàng theo đúng thời hạn nộp hồ sơ năng lực, nhà đàu tư tham gia (trong đó có ông Nguyễn Văn Đông) đã phải thu xếp được một số tiền không nhỏ, chỉ trong vòng 3 tuần, kể từ thời điểm Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin về đợt thoái vốn của SCIC. Được biết, thời gian bắt đầu tổ chức cuộc đấu giá sẽ diễn ra vào lúc 14h40 ngày 22/11/2018 tại HNX - có địa chỉ là Số 2, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi phiên đấu giá diễn ra, nhà đầu tư thực hiện thanh toán sao cho phải đảm bảo SCIC nhận được tiền thanh toán mua cổ phần chậm nhất trong ngày 4/12/2018. Trước khi công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia đấu giá, ngày 12/11/2018, SCIC đã có thông báo cho biết tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex là 0%. Thông báo của SCIC nêu rõ, trong trường hợp có mâu thuẫn về nội dung tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinaconex tại Bản công bố thông tin và Quy chế đấu giá với nội dung mới được công bố thì nội dung mới sẽ được ưu tiên áp dụng. Thông tin này đã gây bất ngờ cho thị trường, bởi lẽ, các nhà đầu tư nước ngoài thường được kỳ vọng là những nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ thoái vốn quy mô lớn của nhà nước tại các doanh nghiệp. Khi khóa “room” ở mức 0%, nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn (về mặt chính danh) nếu muốn tham dự phiên đấu giá cổ phần Vinaconex sắp tới của SCIC. Mặt khác, Vinaconex cũng đang có cổ đông ngoại là PYN Elite Fund nắm giữ tới 33,289 triệu cổ phiếu (tương đương với 7,54% vốn điều lệ). Với việc “room” dành cho khối ngoại là 0%, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể tiến hành bán ra cổ phiếu VCG đang nắm giữ mà không được mua mới. Dù vậy, nếu xét đến các thương vụ thoái vốn cổ phần nhà nước trước đó tại CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã CK: SAB), tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng không quá quan trọng nếu các nhà đầu tư ngoại thực sự muốn thâu tóm. Đặc biệt, lô cổ phần của SCIC chiếm tới 57,71% vốn điều lệ của Vinaconex, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư thắng cuộc sẽ có lợi thế chi phối tại doanh nghiệp. Chỉ có điều, với việc “lách” các quy định, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ gặp phải nhiều rủi ro pháp lý./. Phạm Duy |
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...