Gia tăng giá trị cho đặc sản nơi địa đầu tổ quốc

09:54 | 30/11/2023

DNTH: Với khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù, 8 sản phẩm đặc sản của Hà Giang (nơi địa đầu Tổ quốc) được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (gồm: Mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, thịt bò vàng, cam sành, gạo tẻ Già Dui, hồng không hạt, cá bỗng và thảo quả) - góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp, có thế mạnh của tỉnh Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển hàng hoá theo chuỗi giá trị, từ việc xây dựng và phát triển thương hiệu, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

Tính đến nay, Hà Giang đã được cấp 25 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu dùng chung, gồm: 8 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; 14 nhãn hiệu chứng nhận; 3 nhãn hiệu tập thể. Trong đó, 8 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (gồm: Mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, thịt bò vàng, cam sành, gạo tẻ Già Dui, hồng không hạt, cá bỗng và thảo quả). 

Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký số 00035 tại Quyết định số 316/QĐ-SHTT ngày 01/3/2013, cùng với bộ công cụ phục vụ công tác quản lý, khai thác và xúc tiến thương mại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bộ công cụ đã đảm bảo được tính thống nhất trong công tác quản lý và phát triển, trong những năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát bên trong, bên ngoài của quá trình sản xuất và kinh doanh mật ong trên vùng cao nguyên đá.

Để phát triển, nâng cao giá trị mật ong bạc hà mang chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”, trong những năm qua, Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó cũng có chính sách bảo hộ đàn ong địa phương tại các khu vực được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, ngăn ngừa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ... các cơ sở sản xuất và kinh doanh mật ong bạc hà tại địa phương ngày càng quan tâm tới việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý chất lượng sản phẩm.

Mật ong bạc hà Mèo Vạc
Mật ong bạc hà Mèo Vạc.

Ngày 10/10/2016, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 4092/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00052 cho sản phẩm cam sành “Hà Giang” nổi tiếng. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Cam sành “Hà Giang” từ lâu vẫn được xem là một trong loại cam ngon được xếp vào hàng đặc sản của Việt Nam, là loại cây ăn quả nổi bật, có thế mạnh và được đông đảo người dân ưa thích. Cam sành Hà Giang đạt top 10 sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon - tinh hoa ẩm thực Việt” do người tiêu dùng bình chọn.

Cam sành Hà Giang
Cam sành Hà Giang.

Ngày 05/7/2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 2148/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00056 cho sản phẩm hồng không hạt “Quản Bạ” nổi tiếng. Đây là cơ sở để huyện Quản Bạ phát triển thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển cây hồng không hạt thời gian qua đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Quản Bạ.

Để tiếp tục phát triển mạnh cây hồng không hạt, huyện Quản Bạ có chủ trương trồng mới trên 50 ha, mỗi năm thực hiện trồng mới từ 10 - 15 ha. Hình thành vùng trồng hồng tập trung theo hướng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Chọn lọc cây đầu dòng phục vụ cho việc nhân giống và quản lý nguồn giống đảm bảo chất lượng để tránh những rủi ro cho bà con. Xúc tiến việc xây dựng nhãn hiệu hồng không hạt Quản Bạ, từng bước chế biến nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Hồng không hạt Quản Bạ
Hồng không hạt Quản Bạ.

Ngày 28/09/2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00057 cho sản phẩm gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” tỉnh Hà Giang. Sau khi bà con thu hoạch xong, Hợp tác xã toàn thôn Lùng Cháng tiến hành thu mua và xử lý đúng quy trình bảo quản, đóng gói; trên bao bì có logo, tem nhãn và mã vạch đầy đủ để cung cấp ra thị trường.

Cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát huy giá trị thương hiệu gạo đặc sản của địa phương, huyện Xín Mần đang thực hiện mô hình cánh đồng mẫu theo phương pháp “5 cùng” đối với giống lúa Già Dui để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp phục tráng giống lúa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chế biến.

Gạo tẻ Già Dui Xín Mần
Gạo tẻ Già Dui Xín Mần.

Ngày 16/8/2018, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00069 cho sản phẩm chè Shan tuyết “Hà Giang”. Theo đó, vùng chỉ dẫn địa lý được cấp cho khu vực trồng và chế biến chè Shan tuyết của 44 xã thuộc các huyện: Bắc Quang (4 xã), Quang Bình (8 xã), Vị Xuyên (8 xã), Hoàng Su Phì (11 xã), Xín Mần (11 xã) và thành phố Hà Giang (2 xã). Đây là thành quả kết tinh từ sự nỗ lực của các cấp, ngành sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn, phục tráng nguồn gen quý, giống chè Shan tuyết cổ thụ. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển mới, giúp nâng cao giá trị thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang. Hiện Hà Giang có 1.629 cây chè Shan tuyết cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây Di sản Việt Nam, đưa tỉnh trở thành địa phương có số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển giống chè quý hiếm, là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị kinh tế từ chè, thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm vùng chè.

Chè Shan tuyết Hà Giang
Chè Shan tuyết Hà Giang.

Ngày 19/04/2019, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ/SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00073 cho sản phẩm bò vàng Hà Giang. Bên cạnh đó, bò vàng Hà Giang đã được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn. Từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm bò vàng của Hà Giang không ngừng được nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước.

Bò vàng Hà Giang
Bò vàng Hà Giang.

Ngày 07/8/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 3159/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00084 cho sản phẩm thảo quả “Vị Xuyên”. 

Huyện Vị Xuyên đã thành lập Hội sản xuất và thương mại thảo quả Vị Xuyên, đảm nhận vai trò đại diện quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, các tổ chức kinh tế, hội nghề nghiệp và người trồng thảo quả trong việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Vị Xuyên cho sản phẩm thảo quả; hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, các công cụ, quy trình quản lý, các điều kiện vật chất, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phương pháp quản lý dữ liệu và quản lý lãnh thổ cho sản phẩm thảo quả mang chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ xây dựng một số mô hình thí điểm quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, các mô hình hệ thống tổ chức sản xuất, thương mại cho sản phẩm thảo quả; các mô hình doanh nghiệp, cộng đồng tham gia bảo tồn nguồn giống gốc và phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ nghiên cứu thị trường, ngành hàng và xây dựng hệ thống thương mại, tổ chức quảng bá chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thảo quả; mở rộng, chuyển giao vận hành hệ thống tổ chức quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho nông dân, hội sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thảo quả mang chỉ dẫn địa lý Vị Xuyên và các cơ quan liên quan.

Mặt khác, xây dựng chiến lược phát triển cho sản phẩm thảo quả, tìm thêm các thị trường tiêu thụ cũng như các kênh phân phối để kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng; đa dạng hóa các kênh tiêu thụ góp phần ổn định giá thảo quả; phát triển các sản phẩm được chế biến từ thảo quả mang chỉ dẫn địa lý Vị Xuyên là hướng đi nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.

Thảo quả Vị Xuyên
Thảo quả Vị Xuyên.

Ngày 29/4/2021, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00105 cho sản phẩm cá bỗng “Hà Giang”.

Cá bỗng có mặt trong ao nhà đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang đã gần 100 năm nay. Từ loại cá có sẵn trong tự nhiên, được nuôi theo sở thích và truyền lại cho nhiều thế hệ, cá bỗng giờ đây đã trở thành thứ đặc sản nổi tiếng của đồng bào.

Danh tiếng của cá bỗng Hà Giang có được nhờ tổng hợp của các yếu tố tự nhiên, nguồn giống, quá trình chăm sóc. Truyền thống nuôi cá bỗng và phong tục của người dân tộc Tày ở Hà Giang đã tạo nên nét văn hóa riêng, thu hút khách du lịch đến khám phá. Bên cạnh đó, bí quyết chế biến truyền thống của bà con đã tạo ra những món ăn mà khách thập phương ưa thích, không thể quên.

Cá bỗng Hà Giang
Cá bỗng Hà Giang.

Theo Thương hiệu Công luận

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tái cơ cấu nông nghiệp: Chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Long An

DNTH: Long An coi tái cơ cấu nông nghiệp là chìa khóa để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tỉnh cũng đã chủ động ban hành các đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp, đồng thời lồng ghép hiệu quả nguồn vốn...

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên

DNTH: Theo TS. Trần Quý (Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam) chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên.

Phát huy vai trò hợp tác xã trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

DNTH: Phát triển hợp tác xã (HTX) là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện...

Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

DNTH: Sáng 12/11 tại Hà Nội, Viện chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” nhằm tìm kiếm giải...

Ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản sản phẩm góp phần nâng cao giá trị nông sản

DNTH: Ứng dụng công nghệ vào chế biến và bảo quản nông sản – thực phẩm đóng vai trò then chốt, mở ra cánh cửa cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Thị trường Halal: Cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam

DNTH: Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như...

XEM THÊM TIN