Mô hình đại điền là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

21:00 | 04/04/2023

DNTH: Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Tuần lễ Hợp tác xã nông nghiệp, chào mừng 77 năm ngày Hợp tác xã Việt Nam”, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”.

Đầu cầu trực tiếp tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Đầu cầu trực tiếp tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Diễn đàn được tổ chức nhằm giới thiệu, thảo luận tìm các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khuyến khích mô hình sản xuất đại điền của Thái Bình nói riêng, các tỉnh thành trong cả nước nói chung phát triển.

Tại diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phát triển đại điền nhìn từ thực tiễn tại Thái Bình; những định hướng mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp; giải pháp chính sách đất đai thúc đẩy tích tụ tập trung trong sản xuất nông nghiệp đại điền; chính sách tín dụng, đào tạo và giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền; kinh nghiệm xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, nông nghiệp tuần hoàn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã...

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết, từ việc giá vật tư nông nghiệp tăng cao và không ổn định trong những năm vừa qua, vùng đất sản xuất lúa vốn là vùng đất nhiều chua mặn, canh tác lúa năm được năm mất, năng suất thu được bị phụ thuộc vào thời tiết nên Nhân dân đang dần có tư tưởng bỏ ruộng. Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững trong sản xuất, có thể tận dụng được các phế phụ phẩm nông nhiệp và lượng phân chuồng lớn có sẵn tại địa phương, HTX Nam Cường đã đưa phân chuồng và tàn dư trên đồng ruộng vào sử dụng thay cho phân bón hóa học NPK và đã mang lại hiệu quả cao. Sử dụng cá ủ vi sinh thay thế hoàn toàn phân đạm ure giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm bán ra 200% so với sản xuất thông thường. Qua đó người nông dân đã cảm thấy yên tâm và hy vọng hơn vào phát triển lúa gạo của địa phương.

Vụ mùa năm 2022, với diện tích gần 1,3 ha, HTX đã thu về 4 tấn thóc, tương đương 2,7 tấn gạo với giá bán 30.000đồng/kg gạo. Chất lượng gạo được khách hàng đánh giá là thơm ngon hơn nhiều so với các loại gạo cùng giống trên thị trường. “Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuy tốn công làm cỏ, tốn thêm công bắt ốc bươu vàng nhưng với những biện pháp sản xuất tập trung và chuyên nghiệp, hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo cho HTX phát triển và nhân rộng mô hình”, đại diện HTX Nam Cường nhận định.

Theo đó, dự kiến năm 2023, HTX nam Cường sẽ tăng diện tích sản xuất lúa sạch lên gấp 5 lần, cung cấp gạo sạch cho nhu cầu của địa phương với tổng sản lượng dự kiến 30 tấn/năm. HTX cũng lên kế hoạch tuần hoàn lượng chất thải chăn nuôi của các thành viên HTX nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sản xuất phân tại địa phương.

ong nguyen duc truong
Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành trình bày về các thiết bị tự động hóa trong sản xuất đại điền.

Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành giới thiệu các giải pháp về công nghệ tự động hóa, thông minh thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền.

Theo đó, công ty đã có khoảng 7 năm hoạt động trong việc thúc đẩy mô hình công nghệ tự động hóa với nhiều giải pháp được giới thiệu về Việt Nam như máy bay nông nghiệp đa chức năng, hệ thống thiết bị lái tự động cho máy nông nghiệp… giúp giảm chi phí ứng dụng.

Theo ông Trường, muốn ứng dụng công nghệ hiện đại, cần có lượng đất đủ lớn, người sản xuất phải thông minh, chính quyền địa phương cần đưa ra hỗ trợ chính sách thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp làm ra các sản phẩm công nghệ mới, đưa ứng dụng công nghệ mới về Việt Nam. "Nếu không có lực lượng doanh nghiệp này, cơ hội để tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài trong sản xuất nông nghiệp sẽ rất khó khăn“.

Bà Trần Thị Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong nông nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, tích tụ ruộng đất, sản xuất mô hình nông nghiệp đại điền là quy luật tất yếu. Theo đó, sản xuất nông nghiệp đại điền sẽ khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.

Hiện nay, ThaiBinh Seed đã và đang liên kết với bà con nông dân tại Thái Bình với diện tích 2.050 ha và sẵn sàng phối hợp với các đại điền của tỉnh Thái Bình để góp phần quy hoạch các vùng sản xuất, thuận lợi cho việc sản xuất lúa gạo tập trung, đáp ứng nguồn sản xuất ổn định cho thị trường”. Đặc biệt, ThaiBinh Seed đang triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo theo công nghệ Nhật Bản với diện tích 10 ha tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Đầu vào của nhà máy chính là các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo mô hình đại điền.

Để mở rộng sản xuất mô hình nông nghiệp đại điền tại địa phương, đại diện ThaiBinh Seed kiến nghị các cơ quan quản lý tạo điều kiện phát triển các mô hình đại điền để quy vùng sản xuất lớn tại miền Bắc nói chung và Thái Bình nói riêng.

Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã chia sẻ với diễn đàn về một số yêu cầu thị trường xuất khẩu và những cơ hội, thách thức đối với sản xuất lúa tại các tỉnh miền Bắc. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) là đơn vị sản xuất, kinh doanh lúa gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm tại thị trường cả nước nói chung và thị trường miền Bắc nói riêng. “Mỗi thị trường có yêu cầu, đặc thù riêng, tuy nhiên có điểm chung là yêu cầu về chất lượng khắt khe hơn và giá cần gia tăng tính cạnh tranh. Đến thời điểm hiện tại, thậm chí các đơn hàng vừa và nhỏ cũng được yêu cầu hóa đơn đỏ của giống mua”.

Trong quá trình triển khai các mô hình đại điền, đại diện Vinafood 1 đã đặt vấn đề về công nghệ sau thu hoạch. “Mỗi nông hộ từ 2 đến 20 ha có thể sản xuất 12 - 120 tấn lúa tươi. Vậy công nghệ sấy nên làm như thế nào? Đó là vấn đề chúng tôi luôn luôn gặp phải”.

Thông qua diễn đàn, đại diện Vinafood 1 bày tỏ mong muốn các đơn vị và các đầu mối chung tay hỗ trợ các nông hộ trong khâu sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hợp tác xã và nông hộ; đảm bảo ổn định chất lượng giống gieo trồng.

Phát biểu tại diễn đàn, đại điện Syngenta Việt Nam cho rằng, hiện nay, nông dân trồng lúa đang đối diện với nhiều thách thức như yêu cầu tăng năng suất nhưng phải giảm lượng nước tưới và các yếu tố đầu vào; thách thức về biến đổi khí hậu, áp lực sâu bệnh hại gia tăng; ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa vào sản xuất; gia tăng hiệu quả đầu tư từ hoạt động sản xuất lúa...

Hiện nay, đã có nhiều giải pháp giúp ổn định bền vững vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả từ hoạt động sản xuất lúa như thúc đẩy việc phát triển giải pháp, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất; hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng các kiến thức canh tác hiện đại vào sản xuất; tăng cường hướng dẫn tập huấn sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm và bền vững...

Với những lợi thế của mình, Syngenta đang tham gia và có đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất lúa gạo hàng hóa bền vững quy mô lớn bằng nhiều hoạt động như: nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực hạt giống (thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao các thế hệ lúa lai mới có năng suất cao, chống chịu tốt, chất lượng gạo ăn ngon; khởi động chương trình phát triển hạt giống lúa thuần bằng việc hợp tác với CLRRI, FCRI, VNUA...); nghiên cứu thành công quy trình Gromore™ (nghiên cứu thành công quy trình canh tác Gromore™ phù hợp với sản xuất lúa gạo bền vững theo quy mô lớn; kết hợp với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo áp dụng giải pháp Gromore™ giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo và quản lý dư lượng phù hợp).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất (hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện dự án áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa; nghiên cứu phát triển bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phù hợp cho việc ứng dụng các công nghệ và tiến bộ mới trong sản xuất như máy bay phun thuốc (Drone), máy gieo cấy...).

Ngoài ra, đẩy mạnh tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm (tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và bền vững; tăng cường khả năng tiếp cập công cụ bảo hộ lao động của nông dân; hỗ trợ thu gom và tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng)...

Ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các mô hình ứng dụng “Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp” phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền đều có mục tiêu “giảm chi phí, giảm thất thoát, giảm phác thải” và “tăng năng suất lao động, tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng vật tư đầu vào” tạo sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có dư địa thị trường và phải được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng.

Các dự án từ năm 2017 đến nay tại một số tỉnh phía Bắc áp dụng cơ giới hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền giúp xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại 13 tỉnh/thành phố phía Bắc: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh đó, xây dựng được 6 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rạ trên đồng ruộng vụ xuân phục vụ sản xuất lúa vụ mùa với quy mô 600 ha; 6 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất phân hữu cơ sinh học từ rơm rạ và từ chăn nuôi gà, lợn; 4 mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sản xuất rau hướng hữu cơ và 6 mô hình sản xuất 150 ha lúa hữu cơ, quy mô 15 ha/mô hình trở lên; giảm chi phí phân bón, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với sản xuất đại trà; xây dựng các mô hình trình diễn, diễn đàn, toạ đàm về chủ đề “cơ giới đồng bộ” trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Bắc.

Đánh giá chung, ông Hùng cho biết, các mô hình cơ giới hoá đã dần khắc phục sự dàn trải, manh mún, đồng thời khẳng định và chứng minh được tính hiệu quả, ưu việt khi tích tụ ruộng đất; nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân về phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa, lợi ích của việc cơ giới hóa vừa giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, vừa giảm chi phí, bảo đảm được hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm tổn thất, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) đánh giá, Diễn đàn "Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền" sẽ mở ra một hướng đi mới, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất lúa hiện nay là nhỏ lẻ, manh mún, khó tổ chức sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ KHKT... đồng thời, đây cũng là cơ hội thúc đẩy việc hình thành các HTX kiểu mới, cùng nhau làm kinh tế nông nghiệp.

Theo ông Định, lâu nay chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc dồn, đổi, tích tụ đất đai. Do đó, việc phát triển nông nghiệp đại điền sẽ là cơ hội để cho nông nghiệp thực sự phát triển theo chuỗi hoàn chỉnh hơn. Với sự đóng góp của các đại điền, nông dân trẻ sáng tạo thì nền nông nghiệp sẽ có thể bước sang một trang mới. Tuy nhiên, hiện tại, mới hình thành câu lạc bộ đại điền, nếu muốn phát triển mạnh hơn nữa, cần tiến tới thành lập hợp tác đại điền.

Về giảm phát thải trong trồng lúa, ông Định cho rằng, nhiều hộ sản xuất lúa vẫn luôn nghĩ rằng sản xuất lúa thì không có vấn đề về phát thải khí nhà kính. Thực tế lại ngược lại, sản xuất lúa lại là hoạt động tạo ra khí nhà kính lớn nhất. Do đó, việc ứng dụng các giải pháp canh tác lúa tiên tiến như SRI, IPM, IPHM sẽ giúp các đại điền giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm chi phí sản xuất; tạo ra sản phẩm chất lượng, tiến tới xây dựng được thương hiệu. Bên cạnh đó, trong tương lai, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từng bước hoạt động trồng lúa sẽ hình thành thị trường bán chứng chỉ khí thải, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng (Ngân hàng NN&PTNT), cho biết Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam là một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước với tổng dư nợ đạt 1,44 triệu tỷ đồng, phục vụ cho khoảng 30.000 doanh nghiệp, hơn 3,6 triệu hộ nông dân và hợp tác xã. Ngân hàng luôn có các chính sách nhằm đồng hành, gắn bó với người nông dân.

Hiện nay, bà con và các hợp tác xã đang gặp nhiều vướng mắc về vấn đề tài sản thế chấp. Trong chính sách hỗ trợ cho vay sản xuất đại điền, đại diện ngân hàng cho biết, bà con có thể sử dụng tài sản hình thành từ máy móc để thực hiện thế chấp, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Liên quan đến hiệu quả mô hình đại điền, Ngân hàng NN&PTNT có thể cho vay không có tài sản đảm bảo. Đây là chính sách được thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ. Bà con sản xuất đại điền có thể yên tâm rằng Ngân hàng NN&PTNT luôn tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất nông nghiệp”, ông Vũ Trọng Thắng chia sẻ.

Nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Ngân hàng NN&PTNT, ông Vũ Trọng Thắng có một số đề xuất nhằm phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp: Bộ NN&PTNT cần có quy hoạch cụ thể, hạn chế trường hợp nông dân sản xuất tự phát; đề nghị Bộ NN&PTNT có các chính sách hỗ trợ sản xuất, xử lý môi trường chất thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ về ứng dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) đối với sản xuất nông nghiệp đại điền, bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc, cho biết, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới.

Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI được áp dụng một cách linh hoạt tùy theo điều kiện canh tác cụ thể, dựa trên 5 nguyên tắc: mạ khoẻ; cấy thưa, mỗi khóm chỉ cấy 1 cây mạ; phòng trừ cỏ dại kịp thời; quản lý nước; bổ sung chất hữu cơ.

Bà Dương Thị Ngà thông tin, các kết quả thực nghiệm cho thấy, nếu áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Cụ thể, giảm 40 - 50% lượng giống so với tập quán, giảm trung bình 2 lần phun thuốc BVTV/vụ, nước tưới giảm 2 lần/vụ, năng suất tăng 7 - 15% tương đương 15 - 30 kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5 - 10 triệu đồng/ha.

Thái Bình là một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là nông sản trọng tâm với diện tích hằng năm đạt 155.000 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt 13 tấn/ha. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, cho rằng hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt còn thấp, quy mô nông hộ hẹp. “Bình quân mỗi hộ có 4 khẩu, tương đương 0,2 ha. Sản xuất lúa gạo tuy có lãi nhưng thu nhập từ lúa gạo không đảm bảo đời sống cho người nông dân”.

Khoảng thời gian từ 2014 đến 2016, tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số nông dân đã hình thành tư tưởng phát triển quy mô lớn, mạnh dạn mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác. Vượt qua khó khăn bước đầu, một số mô hình đã đạt thành công nhất định, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương.

Từ năm 2015 đến 2020, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đã tạo nên những chuyển biến lớn. Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành liên quan hỗ trợ máy gặt, máy cáy cho nhiều địa phương trong tỉnh. Các hộ tích tụ ruộng đất cũng nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ. Đặc biệt, trong năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 40 và Nghị quyết số 29 nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021 - 2025.

“Vừa qua ngành nông nghiệp của tỉnh đã thẩm định một số dự án liên kết với mức hỗ trợ tối đa đạt 6,7 tỷ đồng/liên kết. Mặc dù chính sách mới được triển khai trong năm 2022 nhưng đã có một số doanh nghiệp tham gia, gợi mở cơ hội cho các hộ tích tự ruộng đất và doanh nghiệp cùng tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy thông tin, Thái Thụy là một trong hai huyện của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế. Do đó, diện tích đất nông nghiệp thực hiện theo quy hoạch trong khu kinh tế cũng bị tác động.

Về công tác tích tụ đất đai, các địa phương trong huyện đã thực hiện quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất tại 31 xã với tổng diện tích là 2.121 ha. Trong đó, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 813 ha.

Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn thuê, mượn ruộng của các hộ không có nhu cầu sản xuất để thực hiện tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất. Theo số liệu tổng hợp tại vụ xuân 2023, toàn huyện có 626,71 ha được nhân dân tích tụ để sản xuất (gieo cấy lúa).

Một số đơn vị có diện tích tích tụ lớn như: Công ty Hưng Khang nghĩa thuê đất đất tại Thụy Phong, Thụy Thanh với diện tích 35 ha; Công ty Đông Tây thuê đất tại Thụy Thanh với diện tích 30 ha; hộ Lê Thị Gấm Dương Phúc 11 ha, Bùi Văn Chín Dương Phúc 10 ha; Phạm Quang Việt Thái Giang 20 ha; Bùi Đức Thiên 10 ha, Trần Quang Hanh 15 ha… thực tế sản xuất của các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất truyền thống từ 15 - 20%. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện Thái Thuỵ vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Trên cơ sở đó, ông Hoài kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay. Cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đất đai tạo điều kiện cho việc tích tụ, tập trung đất đai.

Cụ thể: hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp: Theo quy định tại Điều 129, Điều 130 Luật đất đai năm 2013: diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Do vậy, khó khăn cho các hộ có nhu cầu nhận chuyển nhượng với diện tích lớn hơn 20 ha.

Vướng mắc về điều kiện nhận chuyển đổi ( Điều 190 Luật Đất đai 2013), điều kiện nhận chuyển nhượng (Điều 191, 192, 193 Luật Đất đai 2013 ), do vậy chưa thể hoàn thiện thủ tục đất đai cho đối tượng thực hiện tích tụ diện tích lớn, phát triển sản xuất với quy mô lớn.

Thông tin tại diễn đàn, ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, cho biết, từ năm 2004, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, qua đó đã khắc phục được một phần tình trạng thửa đất nhỏ lẻ, manh mún phân tán của hộ gia đình, cá nhân. “Tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy mô hình mọi người, mọi nhà đều sản xuất nông nghiệp không còn phù hợp với xu hướng phát triển xã hội. Việc rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện để tích tụ tập trung ruộng đất cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu”.

Theo điều tra sơ bộ, trên địa bàn huyện Đông Hưng có khoảng 10% các hộ có ruộng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Các hộ này thường cho mượn ruộng không thu khoán, thậm chí còn đóng sản cho các hộ sản xuất.

20% hộ có nhu cầu cho thuê, mượn ruộng và 20% hộ nếu giá thuê ruộng hợp lý thì sẽ thỏa thuận cho thuê ruộng. Còn 50% các hộ vẫn có nhu cầu sản xuất để tạo lương thực, thực phẩm để phục vụ gia đình. Qua đó xuất hiện nhiều xã có hiện tượng ruộng bỏ hoang không tổ chức gieo cấy.

Nhằm khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang, huyện Đông Hưng đã khuyến khích các hộ dân đổi ruộng, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất, nhất là các diện tích bị bỏ hoang để đưa cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất/ha đất nông nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 500 hộ tích tụ ruộng đất sản xuất lúa với quy mô từ 1ha trở lên, đạt khoảng 1.200 ha. Trong đó hộ tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên là 67 hộ, hộ có diện tích tích tụ từ 20 ha/hộ có 1 hộ, hộ có diện tích từ 10 ha trở lên có 17 hộ.

“Đa số các tích tụ ruộng đất đã đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc bảo vệ thực vật và các hộ này thực sự đã thay đổi cuộc sống của mình bằng chính nghề nông, góp phần giảm diện tích bỏ ruộng hoang hóa trên địa bàn huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng chia sẻ.

Ông Vương Đức Hằng cho biết thêm, thời gian tới, huyện Đông Hưng sẽ khuyến khích việc đổi thửa, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh phát triển và nâng cao giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, từ đó giảm diện tích nông dân bỏ ruộng hoang. Huyện cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, doanh nhiệp tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. “Đặc biệt, huyện Đông Hưng sẽ ban hành những cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích áp dụng cơ giới hóa và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất”.

Bà Lê Thị Lệ Thu, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) thông tin về một số điểm mới và định hướng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp.

Theo đó, các hạn chế về hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang dần được tháo gỡ từ quan điểm của Nghị quyết 18 ngày 16/6 của Hội nghị Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực để đưa đất nước có thu nhập cao và cụ thể hóa tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013.

Cụ thể, về hạn mức, đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, dự thảo hiện nay quy định tăng lên 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ giá đình, cá nhân cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đối tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp được mở rộng hơn, cho phép các tổ chức kinh tế tham gia, cùng đó có các quy định với đối tượng này.

Về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nhà nước có chính sách khuyến khích thông qua việc ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.

Về cho phép được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất trồng lúa, người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang đề nghị tiếp tục có nghị định hướng dẫn.

Đối với đất sử dụng đa mục đích, Điều 213 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định đất đai được sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích khác nhau để tăng hiệu quả sử dụng đất, gồm đất sử dụng hỗn hợp và đất sử dụng kết hợp.

Đồng thời, nêu một số nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích theo hướng: đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp từ hai mục đích trở lên có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng...

Dự thảo hiện nay đã nêu lên vị trí, vai trò của Bộ NN&PTNT trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi,... với diện tích đất nông nghiệp 27,90 triệu ha, chiếm 84.46% diện tích đất tự nhiên cả nước.

Điểm rất mới ở dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đã thể hiện vai trò của cơ quan nông nghiệp trong việc thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai nông nghiệp. Tuy nhiên, để việc đánh giá chất lượng đất đai hiệu quả phục vụ cho định hướng sản xuất vùng trồng Bộ tiếp tục đề nghị quy định cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm trong đánh giá, quan trắc, giám sát, bảo vệ cải tạo, nâng cao chất lượng, phục hồi đất nông nghiệp.

ong le duc thinh 1
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phát biểu kết thúc diễn đàn.

Tổng kết diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tin tưởng, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nông dân và sự đồng hành của doanh nghiệp, chắc chắn mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền sẽ thành công.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch... do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn là yếu tố phù hợp để định hướng này đi vào cuộc sống.

Mô hình đại điền ra đời trong bối hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là một hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ông Thịnh cũng cho rằng, mô hình đại điền chỉ có thể thành công khi đảm bảo các yếu tố: lớn, chất lượng thương hiệu, có tổ chức và phát triển bền vững.

Cụ thể, phải đảm bảo các điều kiện cần thiết như: công tác truyền thông phải giúp làm rõ thế nào là tập trung và tích tục ruộng đất để người dân hiểu về việc sở hữu ruộng đất, tích cực đóng góp cho đại điền; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, cơ giới hóa...; phát triển các mô hình đại điền ứng dụng các tiến bộ KHCN; tổ chức lại sản xuất, minh bạch thông tin tạo thuận lợi để các chủ thể kết nối tạo thành chuỗi; xây dựng và phát triển được thương hiệu nông sản...

Trên cơ sở đó, ông Thịnh đề nghị các doanh nghiệp, khi đồng hành cùng các đại điền cần cụ thể hóa tất cả các vấn đề để đại điền dễ dàng tiếp cận, hợp tác, áp dụng. Bên cạnh đó, các đại điền phải luôn vững tin vào hướng đi mà mình đang chọn là đúng đắn, chắc chắn thành công. Các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội sẽ luôn đồng hành.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên

DNTH: Theo TS. Trần Quý (Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam) chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên.

Phát huy vai trò hợp tác xã trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

DNTH: Phát triển hợp tác xã (HTX) là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện...

Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

DNTH: Sáng 12/11 tại Hà Nội, Viện chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” nhằm tìm kiếm giải...

Ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản sản phẩm góp phần nâng cao giá trị nông sản

DNTH: Ứng dụng công nghệ vào chế biến và bảo quản nông sản – thực phẩm đóng vai trò then chốt, mở ra cánh cửa cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Thị trường Halal: Cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam

DNTH: Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như...

Nông sản Việt tự tìm lối đi thời thương mại điện tử

DNTH: Trước đây, vào mùa vụ thu hoạch sầu riêng, gia đình chị Hà ở Đắk Lắk chỉ biết gọi thương lái đến cắt tại vườn hoặc mang ra chợ bán những trái chín. Từ ngày rao bán trên mạng, có ngày chị bán được vài tạ sầu riêng...

XEM THÊM TIN