Tuyên Quang: Chú trọng làm nông sản có truy xuất nguồn gốc

10:13 | 08/09/2019

DNTH: Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 35 sản phẩm nông sản có dán tem truy nguồn gốc. Nông sản có nguồn gốc xuất xứ giúp giá được đẩy lên và tiêu thụ thuận lợi hơn.

Vùng bưởi các xã Phúc Ninh, Quý Quân, Thắng Quân, huyện Yên Sơn mỗi năm cho người dân địa phương thu về gần 300 tỷ đồng. Nâng cao thương hiệu bưởi, tháng 12/2018 các địa phương này đã xây dựng mô hình trồng bưởi VietGAP với 12 hộ tham gia, diện tích 10 ha. Các hộ gia đình tham gia đều được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc để nâng tầm thương hiệu.

Bưởi xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2016

Năm 2016, bưởi Phúc Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Cây bưởi đặc sản Phúc Ninh đã có vị thế mới, khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới, ưa chuộng và tin dùng. Thương lái ở các tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh… đổ về đây, tấp nập người mua, kẻ bán.

Gia đình anh Phạm Xuân Hưng, thôn Khuôn Thống là một trong những người đầu tiên đưa giống bưởi đặc sản vào trồng theo hướng hàng hóa ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn. Hiện nay, gia đình anh có 2,5 ha bưởi trong đó 1,5 ha tham gia mô hình VietGAP. Trồng bưởi theo mô hình này ngoài việc tuân thủ tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì các công đoạn trồng, chăm sóc cũng kỹ lưỡng hơn.

Anh Hưng cho biết, bưởi Phúc Ninh đã bước đầu có thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Nên ngoài 1,5 ha tham gia mô hình VietGAP, những diện tích còn lại anh cũng tuân thủ nghiêm quy trình này. Trừ chi phí, mỗi năm 2,5 ha bưởi của gia đình anh Hưng thu lãi gần 400 triệu đồng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Tuyên Quang kiểm tra chất lượng sản phẩm cam trồng theo mô hình hữu cơ chuyển đổi của huyện Hàm Yên.

Ngoài bưởi Phúc Ninh, cam sành Hàm Yên cũng được chú trọng xây dựng thương hiệu. Sản phẩm này mới đây đã được vinh danh lần thứ 2 tại “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2019 do Tổng hội NN-PTNT Việt Nam tổ chức. Sự kiện là dấu ấn khẳng định vị thế, vai trò của cây cam sành. Tuyên Quang đang mở rộng phát triển mô hình trồng cam sạch gắn liền với xây dựng chuỗi giá trị. Hiện toàn tỉnh có 460 ha cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 17 ha cam sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

Từ trồng cam theo mô hình VietGAP, gia đình ông Lương Văn Nho, Tổ trưởng tổ VietGAP thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên mỗi năm doanh thu đạt 700-800 triệu đồng/năm.

Ông Nho cho biết, tham gia mô hình ông được tập huấn các quy trình sản xuất cam theo đúng quy định. Tâm niệm làm cam sạch cái tâm cũng sạch, ông vận động người dân trong thôn cùng làm cam VietGAP, nhờ vậy khi mới thành lập, tổ hợp tác của ông có 10 thành viên, đến nay đã có 20 thành viên, với tổng diện tích 40 ha cam VietGAP. Khi xuất vườn, cam của gia đình ông đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đưa ra mục tiêu sẽ có 15 cơ sở đủ tiêu chuẩn để cấp tem truy xuất nguồn gốc, thuộc các nhóm sản phẩm cam sành, bưởi, chè, thịt trâu, thịt lợn, rau, dưa lê của các HTX, trang trại trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có 10 cơ sở có nông sản được dán tem truy xuất với tổng số tem được cấp là 100.000 cái.

Cây lê Hồng Thái vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng, Chi cục quản lý chất lượng tỉnh Tuyên Quang cho biết, để nông sản đủ điều kiện cấp tem truy xuất. Các cơ sở phải tuân thủ tốt phương thức sản xuất sạch. Đạt tiêu chuẩn sạch, có truy xuất nguồn gốc là cơ hội để nông sản Tuyên Quang tăng sức cạnh tranh, tạo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phấn đấu đến cuối năm sẽ có thêm 5 cơ sở đủ điều kiện cấp tem truy xuất nguồn gốc.

Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân 800 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 8 sản phẩm. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho 10 HTX, kinh phí đề nghị hỗ trợ 500 triệu đồng. Tỉnh hỗ trợ 9 HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, với tổng kinh phí thực hiện là 180 triệu đồng.

Thực hiện nông nghiệp tốt, tỉnh Tuyên Quang đã thành công trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP… Tuy nhiên làm nông sản sạch đủ điều kiện cấp tem truy xuất nguồn gốc cũng có không ít khó khăn. Nhất là trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là mọi yếu tố đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học vẫn chiếm đa số. Thêm vào đó, việc phân định sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường trên thị trường vẫn chưa thực sự rõ ràng, khiến nhiều nông dân chưa thực sự yên tâm khi chuyển hướng sang hướng sản xuất mới này. 

Theo ĐÀO THANH

Báo Nông Nghiệp

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tái cơ cấu nông nghiệp: Chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Long An

DNTH: Long An coi tái cơ cấu nông nghiệp là chìa khóa để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tỉnh cũng đã chủ động ban hành các đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp, đồng thời lồng ghép hiệu quả nguồn vốn...

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên

DNTH: Theo TS. Trần Quý (Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam) chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên.

Phát huy vai trò hợp tác xã trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

DNTH: Phát triển hợp tác xã (HTX) là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện...

Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

DNTH: Sáng 12/11 tại Hà Nội, Viện chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” nhằm tìm kiếm giải...

Ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản sản phẩm góp phần nâng cao giá trị nông sản

DNTH: Ứng dụng công nghệ vào chế biến và bảo quản nông sản – thực phẩm đóng vai trò then chốt, mở ra cánh cửa cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Thị trường Halal: Cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam

DNTH: Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như...

XEM THÊM TIN